Đà Bắc là huyện nằm bên bờ Bắc của sông Đà, nơi bà con người Mường, người Dao tái định cư từ lòng hồ để thuỷ điện Hoà Bình được xây dựng từ cuối những năm 70 của thế kỉ trước. Không còn những cánh ruộng ven sông Đà vì nước ngập, chỉ còn nương đất dốc và những ngôi nhà sàn, nhà trệt nguyên sơ và mặt hồ rộng lớn của thuỷ điện, bà con học làm du lịch, tận dụng chính cảnh quan, con người, đặc biệt là văn hoá bản địa của chính đồng bào mình để thu hút khách du lịch.

Từ một vài hộ gia đình ở xóm Ké và Đá Bia từ năm 2015, đến nay cả huyện đã có 13 nhà lưu trú thuộc 04 xóm của 03 xã và 184 thành viên của 142 hộ gia đình tham gia trực tiếp cung cấp các dịch vụ du lịch, thu hút hơn 10.000 lượt khách. Để có được thu nhập ổn định và những sản phẩm đặc sắc như vậy, việc tổ chức, marketing, phân phối khách, phát triển sản phẩm, quản lí chất lượng, kí kết hợp đồng với các công ty du lịch đều có vai trò chủ đạo của Công ty cổ phần Du lịch Cộng đồng Đà Bắc (gọi tắt là Đà Bắc CBT), thành lập ngày 23 tháng 02 năm 2017. Công ty đã chính thức đăng kí Doanh nghiệp Xã hội (DNXH) vào ngày 18 tháng 10 năm 2018 để khẳng định và thực hiện sứ mệnh xã hội, hỗ trợ cộng đồng phát triển kinh tế, đảm bảo thu nhập và bảo tồn văn hoá, môi trường của các cộng đồng người Dao, người Mường trong huyện.

Trước đại dịch covid-19, thông qua quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh Đà Bắc CBT đã tạo ra được các tác động đối với cộng đồng, chính quyền địa phương và rút ra bài học cho chính doanh nghiệp.

  • Sinh kế ổn định tại chỗ có được từ mô hình DLCĐ giúp người dân cân bằng cơ hộ kinh tế, tránh khỏi việc di cư tự do lên các thành phố lớn.
  • Thay đổi về nhận thức của các thành viên tham gia (họ mạnh dạn, tự tin).
  • Gia tăng tính gắn kết cộng đồng giữa các thành viên trong các tổ nhóm dịch vụ.
  • Khôi phục bản sắc văn hoá dân tộc, phong tục tập quán và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.

Du khách, đối tác

  • Gần 11.000 lượt khách (trong đó 36% là khách nội địa, 64% là khách quốc tế) được trải nghiệm văn hoá và cuộc sống thực tế của người dân địa phương với chất lượng dịch vụ đạt chuẩn, có những trải nghiệm tương tác và tìm hiểu cuộc sống văn hoá của người dân địa phương.
  • Hơn 10 đối tác, các công ty lữ hành có sản phẩm du lịch độc đáo mới lạ và đơn vị cung ứng dịch vụ chuyên nghiệp thông qua việc ký hợp đồng hợp tác với một số công ty du lịch như Intrepid Việt Nam, EXO Travel, Learning Project, …

Chính quyền địa phương

  • Từ một huyện chưa định hướng phát triển dựa vào du lịch thì nay huyện Đà Bắc đã ban hành nghị quyết (NQ09), đề án phát triển du lịch, trong đó DLCĐ được đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của huyện Đà Bắc và tỉnh Hoà Bình.
  • Xây dựng đề án phát triển du lịch huyện Đà Bắc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
  • Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia hồ Hoà Bình, tỉnh Hoà Bình đến năm 2030 được Thủ tướng chính phủ phê duyệt tại QĐ số 1528/QĐ-TTg ngày 1/8/2016.
  • Mô hình DLCĐ Đà Bắc được UBND huyện xem là một mô hình sinh kế hiệu quả, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho người dân địa phương. (Báo cáo đánh giá đề án Du lịch huyện Đà Bắc 2017 – 2020 ngày 1/4/2019) góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, bảo tồn và thúc đẩy giao lưu văn hoá, tăng cường bảo vệ môi trường.

Đà Bắc CBT

  • Mô hình mới, học vừa làm, rút ra những bài học tổ chức & làm việc với cộng đồng. Hiểu rõ hơn về bản chất của mô hình, quy trình thực hiện với thực tế
  • Nhận thấy hiệu quả mà mô hình đem lại, nhân rộng ra những địa phương khác
  • Xây dựng tài liệu hoá bộ quy trình, tiêu chí xây dựng mô hình du lịch cộng đồng
  • Mở rộng thêm sản phẩm dịch vụ tư vấn du lịch cộng đồng.

Với sự tham gia chặt chẽ của cộng đồng và các điều phối viên tại các bản, xóm, Đà Bắc CBT đảm bảo phân chia lợi ích công bằng trong cộng đồng và hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp lữ hành với các sản phẩm và dịch vụ của cộng đồng. Với tính chất mô hình doanh nghiệp xã hội, Đà Bắc CBT vừa có tiếng nói chính thức của cộng đồng, vừa đại diện cho chính quyền địa phương và vừa là ‘cánh tay nối dài’ của Tổ chức Action on Poverty (AOP) tại Việt Nam để hiện thực hoá mô hình phát triển du lịch cộng đồng, gắn với thị trường và khối tư nhân, thông qua thực hiện các chức năng kinh doanh của doanh nghiệp.

Ảnh hưởng của COVID-19 đến mô hình DLCĐ Đà Bắc & cộng đồng

Từ cuối năm 2019 đến nay, dịch bệnh COVID-19 bùng phát trên toàn cầu và với bốn đợt bùng phát tại Việt Nam, đã có những ảnh hưởng tiêu cực ban đầu đến mô hình DLCĐ nói chung và tài chính của doanh nghiệp nói riêng. 

Doanh nghiệp Đà Bắc CBT chịu ảnh hưởng trầm trọng do đối tác thường xuyên của Đà Bắc CBT đều là các công ty inbound và Đà Bắc CBT vận hành chủ yếu theo hình thức kinh doanh B2B. Với lượng khách nước ngoài của Đà Bắc CBT chiếm gần 70% và đến từ các đối tác inbound, doanh nghiệp hiện chưa đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, quảng cáo tới đại chúng và tới thị trường khách nội địa. Năm 2020, số lượng du khách về với Đà Bắc giảm 70%, thu nhập của các tổ nhóm giảm gần 80% so với năm 2019. 

Ngoài các ảnh hưởng về mặt doanh thu và thu nhập của người dân tham gia vào hoạt động du lịch, việc không có khách do Covid-19 còn gây ra các tác động xã hội và ảnh hưởng đến đời sống bà con tại các bản du lịch. Để đảm bảo sinh kế, các hộ dân không còn thu nhập và việc làm từ du lịch có xu hướng rời đến các khu công nghiệp, các thành phố để làm công nhân hoặc lao động không chính thức. Chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch, cơ sở vật chất tại địa phương và năng lực của các tổ nhóm trong việc cung cấp dịch vụ du lịch cũng bị ảnh hưởng do không được duy trì, theo dõi thường xuyên, đều đặn.

Giai đoạn hậu COVID-19 là cơ hội tốt để Đà Bắc CBT nhìn lại mô hình kinh doanh, củng cố bộ máy vận hành, đầu tư xây dựng năng lực tổ chức cho chặng đường phát triển lâu dài. Chiến lược phát triển của Đà Bắc CBT trong giai đoạn tới bao gồm: (1) Chuyển đổi thành mô hình Action on CBT với quy mô và địa bàn hoạt động rộng hơn; (2) Tái định vị sản phẩm và dịch vụ, chuyển đổi mô hình kinh doanh, (3) Tái cấu trúc mô hình hợp tác với các địa phương, các nhà tài trợ, và doanh nghiệp đối tác; (4) Đầu tư vào marketing cho sản phẩm cộng đồng và thương hiệu gắn với chiến lược mới; (5) Tiếp tục gắn kết và đầu tư vào tác động xã hội xuyên suốt các hoạt động kinh doanh.

Cân nhắc bối cảnh và tiềm lực hiện tại, nhằm giữ vững mục tiêu là doanh nghiệp xã hội, nhằm quản lý, vận hành, phát triển mô hình DLCĐ tự vững, trong những năm tiếp theo Đà Bắc CBT sẽ phát triển căn cứ vào 04 định hướng: DUY TRÌ, CỦNG CỐ, PHỤC HỒI, PHÁT TRIỂN

  • Giai đoạn Duy trì nhằm đảm bảo doanh nghiệp có thể tồn tại và vận hành qua khủng hoảng, bao gồm những hoạt động đánh giá lại tình hình tài chính và tìm kiếm sự hỗ trợ duy trì kinh phí vận hành. Song song với đó, đầu tư vào một số hoạt động phù hợp nhằm Củng cố chất lượng và Duy trì cơ sở vật chất sản phẩm, dịch vụ, chờ đón cơ hội thị trường cho phép Phục hồi. Giai đoạn Phục hồi diễn ra bước đầu khi thị trường khách du lịch nội địa vận hành trở lại, và chờ đón khách du lịch quốc tế trong những năm tới. Bước đầu của giai đoạn Phục hồi bao gồm chuyển hướng đầu tư vào sản phẩm và dịch vụ dành cho khách nội địa, mở rộng tiếp thị và kinh doanh cho thị trường khách nội. Ba giai đoạn Duy trì, Củng cố, Phục hồi sẽ tiếp diễn cho đến khi dịch bệnh toàn cầu có chuyển biến tích cực, thị trường du lịch toàn cầu mở cửa trở lại. Khi đó, giai đoạn Phát triển sẽ diễn ra dựa trên nền tảng vững chắc của các hoạt động đã đầu tư trong giai đoạn Củng cố và Phục hồi, tiếp tục đưa mô hình doanh nghiệp xã hội du lịch cộng đồng tiến tới tự vững về tài chính và mang lại tác động cho xã hội, tiếp nối bền vững các dự án cho AOP hỗ trợ triển khai.
  • Năm 2020-2021 được xếp vào giai đoạn Duy trì và Củng cố, giai đoạn này dự kiến sẽ tiếp tục trong từ 1 đến 2 năm tiếp theo, cho đến khi dịch COVID-19 được kiểm soát. Trong thời gian này, các hoạt động Phục hồi được đan xen triển khai khi tình hình du lịch nội địa cho phép, cũng như các hoạt động Phát triển được bắt đầu phù hợp với tính khả thi, tình hình thực tế.
Chia sẻ ngay:

Bình chọn ngay

Đà Bắc CBT – Phát triển lối đi bền vững cho du lịch cộng đồng

HTX Phụ nữ khuyết tật Ước vọng xanh - Chuyển mình với dự án mới “cây chổi” thời covid

HTX Bản Thổ - Khát vọng hồi sinh những cánh rừng và giấc mơ sinh kế bền vững

Vụn Art - Nơi gặp gỡ của những khát vọng nhân văn và sáng tạo

Én Xanh 2021: Kết nối, lan toả và truyền cảm hứng cho các sáng kiến kinh doanh ứng phó đại dịch Covid-19

Trang chủ

Giới thiệu Én Xanh

Én xanh kể chuyện

Vaccine Én xanh

Tọa đàm

Đào tạo

Hackathon

Tin tức - Sự kiện

Liên hệ

Địa chỉ: Phòng 2302, Tòa nhà 101 Láng Hạ,
Đống Đa, Hà Nội

Điện thoại: +84 24 3537 8746

Email: enxanh2019@gmail.com

Social Media

Bản quyền chương trình Én Xanh thuộc về CSIP