Bài học trong thời Covid mà Zó thu nhận được, đó là: Chúng ta cần bình tĩnh và phản ứng nhanh để thích ứng với tình hình mới. Doanh nghiệp xã hội cần vượt bão với một tâm thế thật bình an cùng một trái tim luôn rộng mở để nắm bắt cơ hội với chiến lược dài hạn.

Những giá trị tốt đẹp cần Doanh nghiệp xã hội vào cuộc

Chuyện về Zó khởi đầu với cô gái 8x Trần Hồng Nhung, người đã tu nghiệp thạc sĩ Quản trị Kinh doanh tại Pháp về Thương mại Công bằng và từng là quản lý dự án phi chính phủ chuyên hỗ trợ các nhóm yếu thế. Sau nhiều năm lăn lộn với nghề, Nhung trăn trở về một mô hình phát triển bền vững nhằm giải quyết các vấn đề xã hội bằng các giải pháp kinh doanh. Năm 2009, cô bắt đầu tìm hiểu và nắm được thực trạng khó khăn cho đầu ra các sản phẩm làm từ giấy dó. Đến 2013, cơ duyên đưa Nhung đến với CSIP, nơi đầu tiên cho cô biết những khái niệm và thông tin về Doanh nghiệp xã hội. Hai năm sau đó là khoảng thời gian mày mò tìm hiểu với rất nhiều công sức, nhưng rồi cũng được đền đáp bằng một số thành quả bước đầu. Năm 2015, được sự hỗ trợ từ nguồn vốn hạt giống, các khóa đào tạo cùng mạng lưới kết nối của CSIP, với mong muốn bảo tồn nghề làm giấy dó của cha ông đồng thời tạo được sinh kế cho bà con dân tộc ở Hòa Bình, Nhung quyết định từ bỏ công việc lương cao, ổn định mà nhiều người mơ ước để thành lập Doanh nghiệp xã hội mang tên Zó.

Ngay từ khi khởi tạo ý tưởng, có người đã “gàn” Nhung. Họ nói rằng, kinh doanh vốn đã không dễ dàng gì, kinh doanh một thứ đang đứng trước nguy cơ biến mất, thị trường đang bị thu nhỏ lại càng mạo hiểm. Nhưng cô tin, những giá trị tốt đẹp như vậy mới cần những doanh nghiệp xã hội siêu nhỏ vào cuộc. Nếu nó là một thứ “dễ xơi” thì đâu cần tới mình. Và nếu là một doanh nghiệp thông thường đơn thuần xem giấy dó là mặt hàng kinh doanh, họ sẽ chỉ kinh doanh cho tới khi vẫn còn giấy Dó để bán. Nhưng với Doanh nghiệp xã hội Zó thì khác. Để gìn giữ và phát triển được một nghề truyền thống đang mai một, Nhung muốn tìm cách khôi phục và khai thác vùng nguyên liệu bền vững, tìm cách đào tạo được thêm nghệ nhân cho tương lai, tìm đầu ra cho sản phẩm. 

Khởi đầu một cuộc phiêu lưu

Zó chính thức đăng kí kinh doanh vào ngày 04/03/2016. Doanh thu tăng nhanh, khách hàng được mở rộng, giúp cho sinh kế các nông hộ tham gia vào dự án được cải thiện đáng kể. Họ vốn đang dần bỏ nghề vì chỉ thỉnh thoảng có 1-2 khách hàng trong nước và bán được vài trăm tờ giấy/năm, thu nhập không đáng kể. Sau khi hợp tác với Zó, họ có thể đạt thu nhập từ 6-10 triệu/tháng. Đây là mức thu nhập thêm khá tốt cho nông dân vào lúc nông nhàn. Nhờ Zó quảng bá, nhiều khách hàng cũng trực tiếp mua hàng từ họ. 

Các sản phẩm của Zó ngày càng đa dạng, mang tính sáng tạo với mục đích dẫn dắt thị trường biết tới nhiều hơn về giấy dó truyền thống của Việt Nam. Các khách hàng nước ngoài đặc biệt yêu thích các sản phẩm này. Zó cũng tổ chức các workshop làm đồ thủ công từ giấy dó nhằm lan tỏa tình yêu tới các bạn trẻ. Các tour về làng nghề làm giấy dó cũng được mọi người quan tâm đón nhận nồng nhiệt. Ngày càng nhiều bạn trẻ yêu thích và sử dụng giấy dó. Mặc dù Zó nỗ lực không ngừng, khách hàng trong nước chỉ chiếm một tỉ trọng khá nhỏ, khoảng 20% doanh thu của doanh nghiệp hàng năm. 

Do vậy, tới tháng 03/2020, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, nguồn thu từ khách du lịch quốc tế bị cắt đứt thì hoạt động kinh doanh của Zó rơi vào khủng hoảng với nguồn doanh thu hạn hẹp từ thị trường trong nước. Zó buộc phải đóng cửa hàng tại phố cổ, thu hẹp lại các địa điểm ký gửi hàng. Việc này ảnh hưởng tới đời sống nhân sự của Zó và cả những người hưởng lợi, đều là các đối tượng nữ. Tháng 03/2021, sau đúng 1 năm đình trệ, Zó mở cửa hàng trở lại tại phố cổ với hi vọng có thể tiếp tục với mảng thị trường trong nước. Tuy nhiên, cửa hàng mở ra được 1 tháng thì lại mất hơn 3 tháng giãn cách. Không đủ chi phí để vận hành, cửa hàng phải tạm đóng lần thứ hai. 

Hai năm Covid là khoảng thời gian vô cùng gian truân, mọi hi vọng dường như khép lại… Nhưng Trần Hồng Nhung không đầu hàng. Cô vắt óc suy nghĩ để tìm ra những cách thức kinh doanh mới, tiếp cận được thị trường mới.

Một tâm thế bình an cùng một trái tim rộng mở

Nhung chia sẻ: “Dịch Covid là thách thức, nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội để có thể bắt tay vào làm những việc mà trước kia, doanh nghiệp bị cuốn vào vòng xoáy của thị trường nên không có nhiều thời gian để làm.” Thời gian này, cô tập trung vào phát triển vùng nguyên liệu bền vững. Zó bắt tay hợp tác cùng với CBT Đà Bắc, hỗ trợ bà con tại Đà Bắc, nơi có cây dó, để có thể vừa tạo sinh kế cho bà con vừa tạo sự phát triển bền vững cho toàn bộ chuỗi cung ứng của nghề làm giấy thủ công. Ngoài ra, Zó cũng tập trung tìm hiểu nhu cầu của thị trường trong nước nhằm phát triển những sản phẩm mới phù hợp hơn.

Zó tăng thị phần trong nước thông qua các kênh thương mại điện tử như Shopee/Lazada, qua đó, có được nhiều khách hàng mới trong cả nước, chứ không chỉ tập trung ở Hà Nội như trước kia. Bên cạnh đó, Zó tìm cơ hội mở rộng thị trường sang Mỹ và châu Âu thông qua kênh Etsy. Sau nửa năm, nguồn doanh thu dần dần phục hồi, quan trọng nhất là có thể đảm bảo được nguồn thu nhập cho các nghệ nhân làm giấy ở Hòa Bình, chủ yếu vẫn là các lao động nữ, do đặc thù của nghề làm thủ công là đòi hỏi sự cẩn thận, kiên nhẫn và khéo tay. Nhờ có sự chuyển đổi số kịp thời, Zó đã tiếp cận được tới nguồn khách hàng rộng hơn việc chỉ chú trọng tới mảng kinh doanh truyền thống trước kia. 

Bài học trong thời Covid mà Zó thu nhận được, đó là: Chúng ta cần bình tĩnh và phản ứng nhanh để thích ứng với tình hình mới. Doanh nghiệp xã hội cần vượt bão với một tâm thế thật bình an cùng một trái tim luôn rộng mở để nắm bắt cơ hội với chiến lược dài hạn. Nếu chỉ nhìn vào khó khăn trước mắt, con người rất dễ sinh ra tâm lý chán nản và bỏ cuộc.

Năm vừa rồi, Zó có cơ hội được tiếp cận nguồn hỗ trợ đào tạo về thương mại điện tử từ Cục Xúc tiến Thương mại. Thiết nghĩ, những chương trình như vậy rất thiết thực cho các Doanh nghiệp xã hội trong bối cảnh đại dịch vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Ngoài ra những hỗ trợ khác có thể kể đến như: hỗ trợ làm các thủ tục để có thể đủ điều kiện xuất khẩu, hỗ trợ về các ưu đãi đất đai cho việc phát triển vùng nguyên liệu bền vững, các chính sách tạo sinh kế cho người dân địa phương.

Tham gia Én Xanh 2021, Zó mong muốn được thêm một lần giao lưu kết nối với các Doanh nghiệp trong cộng đồng Doanh nghiệp xã hội; để cùng truyền động lực lẫn nhau. Zó mong muốn câu chuyện của mình có thể tạo cảm hứng cho các Doanh nghiệp tạo tác động xã hội khác tìm ra được các giải pháp thích ứng để tồn tại, từ đó tiếp tục vươn lên. Luôn có tia sáng ở cuối con đường!

Chia sẻ ngay:

Bình chọn ngay

Zó – Chuyển đổi kĩ thuật số vực dậy một bản sắc văn hóa Việt

HTX Phụ nữ khuyết tật Ước vọng xanh - Chuyển mình với dự án mới “cây chổi” thời covid

HTX Bản Thổ - Khát vọng hồi sinh những cánh rừng và giấc mơ sinh kế bền vững

Vụn Art - Nơi gặp gỡ của những khát vọng nhân văn và sáng tạo

Én Xanh 2021: Kết nối, lan toả và truyền cảm hứng cho các sáng kiến kinh doanh ứng phó đại dịch Covid-19

Trang chủ

Giới thiệu Én Xanh

Én xanh kể chuyện

Vaccine Én xanh

Tọa đàm

Đào tạo

Hackathon

Tin tức - Sự kiện

Liên hệ

Địa chỉ: Phòng 2302, Tòa nhà 101 Láng Hạ,
Đống Đa, Hà Nội

Điện thoại: +84 24 3537 8746

Email: enxanh2019@gmail.com

Social Media

Bản quyền chương trình Én Xanh thuộc về CSIP