Cốt lõi của kinh doanh xã hội nằm ở sự đồng cảm, đồng cảm có nghĩa là đặt mình vào vị trí của người khác và nhìn thế giới từ góc độ của họ. Ở giặt là người Điếc, khách hàng nói chuyện với chúng tôi qua bảng viết, các cử chỉ điệu bộ của ngôn ngữ cơ thể; dường như “sự xuất hiện” của chúng tôi đã khiến khách hàng trở nên tuyệt vời hơn, khi họ biết “đồng cảm”, hoà nhập với sự khác biệt.“Tiệm giặt là của người Điếc” - sử dụng hoàn toàn nhân sự là những người Điếc. Quy trình giao tiếp với khách hàng được thiết kế riêng để quá trình vận hành trơn tru. Với quan điểm 'gọi người khuyết tật là những người có khả năng đặc biệt khác', chúng tôi tin người có khả năng đặc biệt khác nghĩa là hoàn thành công việc tốt nhất theo cách đặc biệt!
Ý tưởng “Giặt là SÁNG” được nhen nhóm từ năm 2019, khi Lương Thị Kiều Thuý – một người khiếm thính và đội nhóm của mình cùng iSEE thực hiện dự án đồng nghiên cứu về tình trạng việc làm của người Điếc tại Hà Nội. Thông qua dự án này, Thúy càng hiểu rõ hơn về thực trạng, khó khăn trong việc làm của người đồng cảnh cũng như những tâm tư – nguyện vọng của họ. Và cùng lúc đó chị hoạt động tại SÁNG – Tổ chức thanh niên hoạt động vì Quyền của người Điếc/khiếm thính tại Hà Nội, cái tên giặt là “SÁNG” ra đời đơn giản như thế nhưng mang nhiều tầng ý nghĩa.
Năm 2020, ý tưởng kinh doanh “Giặt là SÁNG” vinh dự nhận giải thưởng “Cánh Én Vàng” cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp do TW Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức và giải “Best performance” trong chương trình Ươm tạo khởi nghiệp tạo tác động xã hội (Youth co:lab) do UNDP tổ chức. Tháng 12/2020, may mắn mỉm cười với SÁNG khi liên danh cùng chuỗi nhượng quyền “Giặt Ký” đầu tư với số vốn 101 triệu đồng và ra đời “Tiệm giặt là của người Điếc” đầu tiên tại ven bờ sông Sét, phường Tân Mai, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội.
Với mục đích tạo cơ hội việc làm, tăng cường sự hoà nhập của người khuyết tật (NKT) đến với xã hội, thay đổi định kiến về NKT. Dù vậy, đối tượng hưởng lợi chính của mô hình này hướng đến khách hàng, thông qua truyền thông và khách hàng sử dụng dịch vụ, chúng tôi mong muốn sẽ có 1000, 10.000, 100.000... người biết đến tiệm giặt để nâng cao thêm nhận thức về khuyết tật cũng như những cộng đồng khác biệt. Còn về phía cộng đồng, tiệm giặt lan toả sự tự tin trong cuộc sống, chấp nhận bản thân mình, tìm cách nỗ lực biến điểm yếu thành điểm mạnh.
Tiệm giặt sinh ra trong giai đoạn khó khăn của dịch COVID-19, khi vừa hoạt động được 2 tháng, dịch bùng phát trở lại. Trong suốt năm 2021, chúng tôi đã đối mặt với các đợt giãn cách xã hội, đồng thời khó khăn chồng khó khăn do mùa hè không phải là “mùa giặt”. Như các doanh nghiệp khác, trong giai đoạn đó, chúng tôi đóng băng dịch vụ của mình, tiếp nhận lượng khách hàng ít ỏi hơn, có ngày chúng tôi không có doanh thu. Chúng tôi nhìn nhau và đồng thuận “giảm lương” để duy trì tiệm giặt, chắt chiu từng chi phí để “sống sót”. Sau 2 tháng đóng cửa giãn cách xã hội, những cái cây của tiệm héo hon vì “khát nước” – bước vào tiệm nhìn hình ảnh đau lòng tưởng như không thể cứu được đó. Và, nhờ những cơn mưa, cây lại mọc thêm nhiều chồi mới, hay nói như cách ký hiệu của những cô gái người Điếc: “cây đẻ con mới”... Đó là mô tả chính xác nhất về tình trạng Tiệm giặt người Điếc trong đại dịch.
Nếu ai đó hỏi điều gì đáng hy vọng nhất sau những tâm lý khủng hoảng của giãn cách xã hội, COVID-19 có thể đến bất kì đâu, bất kì lúc nào tại các doanh nghiệp lao động người khuyết tật? Thì đó là ở Tiệm giặt người Điếc, vẫn gắng duy trì được việc làm, mở cửa đón thêm khách hàng mới. Luôn lạc quan để học hỏi là điều chúng tôi đã làm trong suốt thời gian đó, tham gia các khoá học phát triển kinh doanh của Abilis, đồng tổ chức cuộc thi Youth Social Business Challenge cho các bạn học sinh sinh viên toàn quốc, tham gia tổ chức dự án “Truyền thông về cơ hội việc làm cho người khuyết tật” và vào vòng chung kết của cuộc thi SBC 2021 (Social Business Creation)... Giai đoạn khó khăn nhất ấy, thông qua NICE Program chúng tôi đã nhận được tài trợ từ Giải chạy Pháp ngữ. Đó là món quà quý giá trong mùa dịch này bởi nếu không được tiếp nhận sự động viên từ hàng trăm người đóng góp từ Giải chạy Pháp ngữ, từ Mạng lưới sáng kiến phát triển vì cộng đồng - NICE, từ cộng đồng người khuyết tật và từ khách hàng chắc chắn chúng tôi không thể tồn tại như bây giờ được.
Chúng tôi đón thêm một máy giặt mới, cái kệ mới, thay đổi việc sắp xếp vị trí rồi đến sửa chữa vòi nước lỏng lẻo đến việc tập huấn cho các cô gái người Điếc, hệ thống lại quy trình 5S để làm việc chuyên nghiệp hơn. Và quan trọng hơn chúng tôi đã trả một phần nợ cho nhà đầu tư để giảm bớt áp lực Giờ đây chúng tôi đã sẵn sàng đón thêm các bạn người Điếc cho cơ sở thứ hai. Tiệm giặt bề ngoài vẫn như thế, nhưng bên trong đã trưởng thành hơn rất nhiều rồi - biết cố gắng và vun đắp vươn lên như những chậu cây, lan toả những giá trị tích cực và niềm hạnh phúc đến với khách hàng.
Kế hoạch tương lai của chúng tôi là xây dựng mô hình “nhượng quyền kinh doanh xã hội” trên quy mô toàn quốc, một mô hình vô cùng mới với người khuyết tật, nhưng với chúng tôi đó là đam mê được cống hiến giá trị khác biệt của mình.
Chúng tôi đang ở trên bước đầu tiên của hành trình này, và chúng tôi biết rằng còn rất nhiều thử thách đang ở phía trước. Tuy nhiên, chúng tôi đã sẵn sàng và quyết tâm nắm lấy mọi cơ hội để thay đổi và phát triển giải pháp của chúng tôi bằng việc ra đời cơ sở thứ 2. Mặc dù cộng đồng của chúng tôi không thể nghe, chúng tôi vẫn nỗ lực để khuếch đại tiếng nói của mình, và làm cho những tiếng nói tới được đông đảo mọi người...
Chúng tôi là “Giặt là SÁNG”.