Ra đời từ nhu cầu thiết thực

Tỉnh Thái Nguyên là trung tâm văn hoá chính trị đứng thứ 2 miền Bắc chỉ sau thủ đô Hà Nội. Trên địa bàn tỉnh có nhiều khu công nghiệp, tập trung nhiều trường Đại học, bệnh viện, ... nên nhu cầu tiêu thụ nông sản thực phẩm nói chung và thực phẩm sạch nói riêng rất lớn. Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật, sở NN và PTNT Thái Nguyên, sản lượng rau quả tươi sản xuất trong tỉnh mới đáp ứng được 60% nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn. 

Xã Đồng Liên nằm ở phía nam thành phố Thái Nguyên, có địa hình tương đối bằng phẳng, nằm xen giữa 2 con sông là sông Cầu và Sông Đào (kênh dẫn nước thuỷ lợi cho phía nam Thái Nguyên và Bắc Giang). Đồng Liên đã được quy hoạch thành vùng nguyên liệu sản xuất rau quả tươi cung cấp cho thành phố Thái Nguyên. Khu vực sản xuất cây ăn quả tập trung của xã nằm ở xóm Toàn Thắng với diện tích trên 20ha nằm trải dọc theo bờ 2 con sông. Hàng năm, tổ hợp tác cây ăn quả VIETGAP xóm Toàn Thắng sản xuất hàng vài trăm tấn trái cây các loại nhưng thị trường chủ yếu vẫn là thương lái đến thu mua và bán lẻ tại các chợ truyền thống. Khu vực sản xuất rau của xã tập trung chủ yếu ở cánh đồng ven sông của xóm Xuân Đám với diện tích tập trung trên 12 ha và diện tích rải rác khoảng 10 ha. Ở đây bà con có truyền thống trồng dưa chuột trên 10 năm với giống dưa chuột bản địa ngon nổi tiếng. Tuy nhiên, khu vực sản xuất của Xuân Đám chưa được cấp chứng nhận an toàn theo tiêu chuẩn. Thị trường chủ yếu của dưa chuột Xuân Đám là chợ đầu mối và các chợ truyền thống. Những năm gần đây, do sức hút của các khu công nghiệp mà lao động trẻ ở Đồng Liên đều bỏ ruộng đi làm công nhân. Diện tích canh tác dưa chuột của Xuân Đám suy giảm cả về số lượng và chất lượng. HTX rau củ quả Xuân Đám Đồng Liên đã được chính quyền địa phương hỗ trợ xây dựng hạ tầng cơ bản và tích tụ ruộng đất thành vùng tập trung rộng 1 ha từ năm 2017 nhưng đến năm 2018 thì bị bỏ hoang do vận hành sản xuất không hiệu quả.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Xuyến là giảng viên của trường Cao đẳng Kinh Tế - Kỹ Thuật, Đại học Thái Nguyên. Với trên 15 năm học tập và nghiên cứu về khoa học cây trồng, chị đã nung nấu mong ước ứng dụng kiến thức và kinh nghiệm chuyên môn vào phát triển sản xuất nông nghiệp sạch cho quê hương. Trước thực tế nhu cầu rau quả an toàn của tỉnh nhà còn thiếu, vùng sản xuất rau quả của Đồng Liên rất tiềm năng mà lại chưa phát huy được hiệu quả. Năm 2019, chị cùng với gia đình thành lập công ty TNHH Nông sản Minh Vân chuyên sản xuất, cung ứng rau quả tươi cho địa bàn thành phố Thái Nguyên và các tỉnh lân cận với vùng sản xuất tập trung nằm tại xóm Xuân Đám, xã Đồng Liên.

Từng bước vững chắc của doanh nghiệp non trẻ

Mở đầu của mô hình chuỗi liên kết nông sản an toàn là việc phối hợp cùng HTX Xuân Đám Đồng Liên khôi phục sản xuất và xây dựng vườn canh tác rau quả theo quy trình hữu cơ, vi sinh tại khu sản xuất tập trung của HTX rau quả Xuân Đám. Để sản xuất hiệu quả trên vùng đất cát ven sông, Minh Vân đã ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt cho cây dưa chuột, dưa lưới, dưa lê để cung nước và dinh dưỡng kịp thời. Các chế phẩm vi sinh được ứng dụng tối đa để sản xuất phân bón tại chỗ (làm phân từ ốc bươu vàng ủ vi sinh dạng bột, ngâm cá với vi sinh tạo phân cá dạng lỏng, nhân sinh khối vi sinh để ủ tàn dư cây trồng tại vườn thành phân compost bót lót...). Bên cạnh đó, Minh Vân cũng hỗ trợ, hướng dẫn bà con ứng dụng vi sinh để phòng trừ sâu bệnh cho rau nói chung và dưa chuột nói riêng.

Đồng thời với quá trình khôi phục, xây dựng vùng nguyên liệu, Minh Vân cũng tiến hành xây dựng fanpage Nông Sản Minh Vân để giới thiệu quy trình sản xuất, quảng bá sản phẩm tới người tiêu dùng và các cơ quan chức năng địa phương. Bằng triết lý kinh doanh nông sản “Ngon từ chất, thật từ tâm” cộng với uy tín cá nhân của người sáng lập, sau 2 tháng đi vào hoạt động, Minh Vân đã kí được hơp đồng cung cấp rau quả tươi cho 18 trường mầm non và tiểu học trên địa bàn thành phố Thái Nguyên. Các cửa hàng thực phẩm sạch tại thành phố bắt đầu biết đến và chủ động đặt hàng. Số lượng gia đình thường xuyên sử dụng sản phẩm của Minh Vân cũng lên tới hàng trăm gia đình. Với số lượng đơn hàng lớn, Minh Vân tiếp tục mở rộng diện tích canh tác trực tiếp tại xóm Xuân Đám lên 3 ha. Chuỗi liên kết cũng được mở rộng với các hộ cá thể và các HTX khác trong tỉnh để đủ nguồn cung cấp. Các sản phẩm rau an toàn từ các đơn vị như: HTX Thành Nam, HTX Bình Minh, HTX ATK Định Hoá, tổ hợp tác sản xuất cây ăn quả VIETGAP xã Đồng Liên ... được cung cấp cho siêu thị, sửa hàng và cộng tác viên thường xuyên, liên tục.

Cánh đồng sản xuất tập trung của Công ty Nông sản Minh Vân được dòng sông Cầu bao quanh 3 phía và nối với thành phố bằng cây cầu treo Song Điền. Chỉ với 10 phút đi xe từ trung tâm thành phố là có thể tới khu vườn Minh Vân hít thở không khí trong lành và thu hoạch rau quả tươi ngon. Với vị trí địa lý thuận lợi như vậy, Minh Vân đã xây dựng mô hình vườn rau hữu cơ kết hợp trải nghiệm nông nghiệp. Khách đến vườn có thể mua nông sản tại chỗ, quan sát quy trình sản xuất nông sản giúp gia tăng sự tin tưởng vào tính minh bạch và chất lượng sản phẩm. Khách trải nghiệm cũng là những người lan toả tinh thần và sản phẩm của Minh Vân đi xa hơn.

Đầu năm 2021, Minh Vân đã tổ chức 3 tour trải nghiệm cho học sinh lứa tuổi tiểu học từ các trung tâm tiếng Anh và các hộ gia đình có nhu cầu. Điểm khác biệt của mô hình này là sự kết hợp trải nghiệm nông nghiệp với giao tiếp tiếng Anh cùng người nước ngoài. Do có mạng lưới cộng tác viên người nước ngoài sống và làm việc tại Thái Nguyên khá lớn nên mô hình trải nghiệm của Minh Vân được khách hàng phản hồi rất tốt. Tuy nhiên, từ 30/4 năm 2021, do dịch bệnh Covid bùng phát nên hoạt động này bị tạm dừng. Theo dự định của Minh Vân, dịch vụ trải nghiệm nông nghiệp kết hợp giao tiếp tiếng Anh sẽ trở lại phục vụ vào dịp nghỉ lễ cuối năm 2021. Từ năm 2022, tour trải nghiệm sẽ mở rộng thêm hoạt động thu hoạch trái cây tại HTX Toàn Thắng, xã Đồng Liên.

Thách thức chính là cơ hội

Dịch bệnh Covid bùng phát trên diện rộng làm đứt gãy chuỗi giá trị nông sản mà Minh Vân đang xây dựng. Các trường học tạm nghỉ, dịch vụ trải nghiệm nông nghiệp buộc phải dừng lại, việc vận chuyển và gửi hàng đi các tỉnh gặp khó khăn. Sản lượng và doanh số sụt giảm làm Minh Vân rơi vào cuộc khủng hoảng lớn. Đứng trước thách thức đó, đội ngũ Minh Vân bắt đầu chuyển đổi mô hình kinh doanh sang tiếp cận thị trường bán lẻ nông sản. Tháng 6/2021, Nông sản Minh Vân chính thức mở cửa hàng giới thiệu sản phẩm và bán lẻ nông sản hữu cơ, nông sản an toàn tại thành phố Thái Nguyên. Đây cũng là điểm tập kết và trung chuyển các sản phẩm nông sản từ vườn sản xuất và từ các đơn vị liên kết. Trong thời điểm dịch bùng phát trên khắp cả nước từ tháng 5 đến tháng 9 năm 2021, doanh số bán lẻ của Minh Vân tăng lên 200% nhờ dịch vụ ship rau tận nhà. Với chủng loại sản phẩm phong phú, minh bạch nguồn gốc và giá thành hợp lý từ nhà vườn; số lượng cửa hành thực phẩm sạch và cộng tác viên online của Minh Vân cũng tăng lên đáng kể. Năm 2020 chỉ có 6 cửa hàng ở Thái Nguyên nhập sản phẩm từ Minh Vân, đến nay đã có 1 hệ thống siêu thị, 8 cửa hàng thực phẩm sạch tại Thái Nguyên, 3 đơn vị tại Hà Nội, 2 cửa hàng tại Hưng Yên và một số cộng tác viên không thường xuyên phân phối, bán lẻ sản phẩm từ Minh Vân.

Bên cạnh việc quảng bá online, Minh Vân cũng thường xuyên tham gia các hội nghị, diễn đàn về nông nghiệp, nông thôn do tỉnh, thành phố tổ chức. Các sản phẩm của Minh Vân thường xuyên được trưng bày tại các triển lãm, hội chợ trong tỉnh. Ngoài ra, chị Xuyến với vai trò là Tiến sĩ Nông nghiệp, Giảng viên của Đại học Thái Nguyên, vẫn thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, giới thiệu các sản phẩm của Minh Vân tại các chương trình đào tạo, tập huấn, các hội thảo khoa học. Từ đó sản phẩm của Minh Vân được khẳng định uy tín, chất lượng với đối tác và người tiêu dùng.

Với sứ mệnh kết nối xây dựng chuỗi giá trị nông sản, năm 2021 công ty TNHH Nông sản Minh Vân trở thành doanh nghiệp tạo tác động xã hội được tổ chức Oxfam và CSIP lựa chọn là 1 trong 12 doanh nghiệp trên cả nước tham gia vào dự án EFD (dự án Hỗ trợ các doanh nghiệp tạo tác động xã hội trong chuỗi giá trị nông nghiệp). Việc tham gia vào dự án EFD giúp cho đội ngũ sáng lập của Minh Vân được đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực quản lý. Từ đó, sứ mệnh, tầm nhìn và giá trị cốt lõi của thương hiệu Minh Vân cũng được truyền tải vào các hoạt động một cách rõ nét hơn. Sau khi dự án kết thúc, mạng lưới thông tin và thương hiệu Minh Vân đã mở rộng khắp cả nước. Có thể nói, EFD chính là 1 tiền đề giúp mô hình chuỗi giá trị nông sản của Minh Vân phát triển vững mạnh hơn.


Sau 2 năm đầu xây dựng mô hình sản xuất, xây dựng thị trường và thương hiệu, chuỗi giá trị nông sản của Minh Vân đến nay đã gần hoàn thiện. Từ cuối 2021 sang 2022 sẽ là giai đoạn mở rộng quy mô thị trường và khẳng định thương hiệu. Dự kiến đến năm 2023, Nông sản Minh Vân sẽ là thương hiệu nông sản sạch số 1 tại Thái Nguyên.

Chia sẻ ngay:

Bình chọn ngay

Nông sản Minh Vân – Hướng tới thương hiệu nông sản sạch số 1 tại Thái Nguyên

Nông nghiệp
Nông nghiệp
Nông nghiệp

Công ty Hoàng Đức - Én xanh là một cơ hội tuyệt vời sau những gì chúng tôi đã và đang trải qua

Gạo Ông Thọ và hành trình vượt dịch

HopeBox – Khiêm nhường gieo hy vọng cho phụ nữ chịu tổn thương bởi bạo lực gia đình và bạo lực giới

Én Xanh 2021: Kết nối, lan toả và truyền cảm hứng cho các sáng kiến kinh doanh ứng phó đại dịch Covid-19

Trang chủ

Giới thiệu Én Xanh

Én xanh kể chuyện

Vaccine Én xanh

Tọa đàm

Đào tạo

Hackathon

Tin tức - Sự kiện

Liên hệ

Địa chỉ: Phòng 2302, Tòa nhà 101 Láng Hạ,
Đống Đa, Hà Nội

Điện thoại: +84 24 3537 8746

Email: enxanh2019@gmail.com

Social Media

Bản quyền chương trình Én Xanh thuộc về CSIP