KOTO là một trong những doanh nghiệp xã hội đầu tiên ở Việt Nam, được thành lập bởi Jimmy Phạm, một người Úc gốc Việt. KOTO là viết tắt của bốn chữ Know one teach one (biết một dạy một) - một Trung tâm đào tạo nghề cho thanh thiếu niên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và trẻ em lang thang đường phố. Sứ mệnh của KOTO là trao quyền cho trẻ em đường phố và thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn, giúp các em có một cuộc sống tốt hơn thông qua đào tạo nghề nhà hàng – khách sạn, kỹ năng sống, tiếng Anh, hỗ trợ ăn, ở, y tế, và đặc biệt là cho các em MỘT GIA ĐÌNH.
Năm 1999, Jimmy Phạm trở lại Việt Nam với khát vọng và quyết tâm đổi đời thật nhiều trẻ đường phố. Với 6.000 USD tiền riêng, cộng thêm 30.000 USD vay mượn, anh mở quán café nhỏ mang tên KOTO ở phố Văn Miếu (Hà Nội)
Năm 1999, Jimmy Phạm trở lại Việt Nam với khát vọng và quyết tâm đổi đời thật nhiều trẻ đường phố. Với 6.000 USD tiền riêng, cộng thêm 30.000 USD vay mượn, anh mở quán café nhỏ mang tên KOTO ở phố Văn Miếu (Hà Nội), xoay sở đủ loại giấy tờ cho lớp học đầu tiên. Nơi đây, 9 trẻ đường phố vừa học vừa thực hành nghề làm bếp, phục vụ nhà hàng.
Tháng 9/2000, một trung tâm dạy nghề cùng tên được khai trương tại 72 Thụy Khuê. Các học viên tham gia khoá học trong 18 tháng, gồm cả thực hành nấu các món ăn Âu - Á, phục vụ bàn dưới sự hướng dẫn của một số giảng viên quốc tế tình nguyện. Tất cả được lo chỗ ở, cấp đồng phục, bảo hiểm y tế, học tiếng Anh...
''Nếu tiếp tục chu cấp tiền, các em sẽ vẫn bán kẹo cao su, đánh giày, bán bưu ảnh, thậm chí bán lẻ ma tuý, hành nghề mại dâm. Chỉ có dạy nghề mới giúp các em tự hào sống bằng sức lao động của chính mình suốt đời'', Jimmy tâm sự.
Từ sáng sớm đến lúc khuya về, KOTO đầy ắp tiếng cười trong môi trường làm việc thân thiện. Khách đến đây sẽ nhận được sự đón tiếp nhiệt tình, với trình độ giao tiếp tiếng Anh tốt, nghiệp vụ chuyên nghiệp. Giúp mang gia đình đến cho các trẻ đường phố, những “đứa em” ở KOTO gọi Jimmy bằng cái tên rất đỗi thân thương “Đại ca”.
Mỗi khóa, KOTO có khả năng đào tạo từ 70 đến cả trăm học viên và số lượng tăng dần mỗi năm, có độ tuổi từ 16 đến 22. Nghề nghiệp được đào tạo là chuyên ngành nhà hàng khách sạn. Chương trình đào tạo được công nhận bởi Box Hill TAFE, một hệ thống trường dạy nghề công lập của Australia. Trong thời gian học tập, các học viên sẽ được cung cấp phương tiện đi lại, thuê nhà ở và sẽ có tiền trợ cấp hàng tháng. Khi được hỏi, các em đều nói rằng được học ở KOTO là một hạnh phúc lớn.
Trong suốt 22 năm kể từ khi thành lập, KOTO đã góp phần thay đổi cuộc sống của 1.000 trẻ em đường phố và thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn, cùng với gia đình và cộng đồng của họ. Chương trình đào tạo của KOTO được công nhận bởi Học viện Box Hill, Úc, và 100% học viên tốt nghiệp chương trình đều nhận được công việc tốt trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn.
Hoạt động kinh doanh của KOTO bao gồm một nhà hàng, dịch vụ tiệc tại nhà, các lớp học nấu ăn và các mô hình liên doanh. Trước đại dịch COVID, KOTO có một nhà hàng rất đắt khách gần Văn Miếu Quốc Tử Giám, với 95% khách hàng là khách du lịch đến Hà Nội.
Đại dịch COVID dẫn đến việc đóng cửa biên giới đã ảnh hưởng lớn đến việc kinh doanh của KOTO. KOTO đã phải đóng cửa nhà hàng cũ và chuyển tới quận Tây Hồ - khu vực có đông người nước ngoài và người Việt có thu nhập cao sinh sống - nhóm khách hàng mới mà KOTO hướng đến. Đây là bước đi cần thiết nhằm duy trì địa điểm thực hành tối quan trọng đối với các em học viên. Với một chiến lược và các ý tưởng mới, KOTO kỳ vọng công việc kinh doanh sẽ tốt hơn trong vòng một năm tới.
Giữa những khủng hoảng của đại dịch, ngoài việc thay đổi chiến lược và mô hình kinh doanh, KOTO cũng thu nhỏ hoạt động và gói gọn hơn, chuyển tới nơi mới giúp KOTO giảm được chi phí thuê nhà hơn.
Ngoài ra, KOTO giảm số lượng đầu vào của học sinh để đảm bảo vẫn cung cấp chương trình đào tạo và chăm sóc cho các em với tiêu chuẩn và chất lượng cao. Những hạn chế của đại dịch như giãn cách xã hội khiến các em học sinh không được đi thực tập nhiều, không có thời gian thực hành và việc một lúc phải lo ăn ở và đời sống tinh thần cho hơn 100 em học sinh trong bối cảnh đại dịch không đơn giản, nhưng với sức mạnh của một gia đình và với sự hỗ trợ của cộng đồng, KOTO vẫn đảm bảo các em được an toàn và với những em đã tốt nghiệp trong hai năm qua, 100% các em đều có việc làm.
Trong thời gian đại dịch, KOTO dành nhiều thời gian xây dựng chiến lược kinh doanh mới, chiến lược gây quỹ mới, KOTO đào tạo cho nhân viên để khi mọi thứ quay trở lại bình thường sẽ sẵn sàng cho các cơ hội mới. Dịch bệnh buộc KOTO phải sáng tạo hơn ngay cả trong việc gây quỹ khi chuyển toàn bộ các sự kiện gây quỹ offline thành online như sự kiện Đạp Xe Gây Quỹ Dream Ride, sự kiện Hoà Nhạc online... Ngoài ra, KOTO cũng dành thời gian làm báo cáo tác động xã hội, được sự hỗ trợ của Mekong Economics, KOTO đã thực hiện được báo cáo tác động xã hội thứ 2 của mình với sự tham gia của gần 600 cựu học viên KOTO. Báo cáo này cũng giúp KOTO rất nhiều trong việc gây quỹ và xin tài trợ từ các quỹ lớn.