Trở về quê hương lập nghiệp

Tôi là Nguyễn Lê Ngọc Linh, một người con dân tộc Thổ, sinh ra và lớn lên ở xã Hóa Quỳ, huyện Như Xuân, Tỉnh Thanh Hóa – một xã miền núi nghèo, thuộc huyện miền núi rất nghèo của tỉnh Thanh Hóa, mảnh đất được người ta nói “Chó ăn đá, gà ăn sỏi”. Trời nắng cuốc xuống đất cuốc nảy lên, trơ trọi toàn sỏi đá, mùa mưa đất dính nhẹm, muốn có ăn, có mặc chỉ có cách thoát ly. Đó cũng là điều cha mẹ tôi lấy ra để răn dạy tôi, rằng cố học mà thoát nghèo, không thì chỉ có kiếp làm nông dân bốc phân cơ cực. Và tôi cố học, ra đi, bám trụ ở thành phố và có một công việc rất tốt: Làm truyền thông cho công ty thuộc NXB Giáo dục Việt Nam – một công việc thu nhập tốt, mơ ước trong mắt bao người.

Nhưng bao năm phấn đấu, có được những điều tốt đẹp giữa thủ đô vẫn không làm tôi nguôi đi nỗi đau đáu, mà mỗi lần tôi nhắm mắt lại, đều thấy hiện lên rất rõ: là những quả đồi trụi lơ trụi lóc; là bố mẹ, là những người thân của tôi đang lăn lộn chật vật kiếm miếng ăn nơi đất khách quê người; là con tôi lớn lên giữa một thành phố khói bụi, thực phẩm phải bỏ ra rất nhiều tiền nhưng chỉ là những thứ “rỗng”, thiếu hụt nghiêm trọng vitamin, khoáng chất; là tôi cúi đầu khi được hỏi “Điểm đặc trưng của dân tộc bạn là gì?”.

Tôi muốn con tôi lớn lên, được chạy nhảy chơi đủ trò cùng thiên nhiên, trong mắt con vẫn có những cánh rừng xanh ngút ngàn như tôi hồi thơ bé. Tôi muốn con tôi được nếm những trái tròn vị kết tinh của đất, nắng, gió, khí trời lành sạch. Tôi muốn những người thân của tôi có thể sống tốt, sống khỏe, quây quần bên nhau, trên chính mảnh đất của mình. Tôi muốn tôi, con tôi, cháu tôi, những em bé dân tộc Thổ đều có thể ngẩng cao đầu, cầm tay du khách mà chỉ họ thấy, kể họ nghe về dân tộc Thổ chúng tôi.

Đó chính là động lực để tôi bỏ phố về rừng, làm một cô nông dân trồng rừng, để tôi kết nối anh em, bà con lại cùng xây dựng nên Vườn rừng Bản Thổ.

Bản Thổ là dự án khao khát vừa tái sinh những cánh rừng, vừa đảm bảo sinh kế bền vững, sung túc và nâng cao vị thế cho người phụ nữ dân tộc miền núi ngay trên chính mảnh đất quê mình. Đồng thời, Bản Thổ mong muốn tạo nên một HỆ SINH THÁI THỰC PHẨM mang tới cho khách hàng sư kết tinh và sức sống, năng lượng chữa lành từ rừng xanh.  

Hợp tác xã (HTX) Bản Thổ và ước mơ về những cánh rừng giá trị kinh tế cao. 

Mục tiêu của HTX Bản Thổ là:

  • Tái tạo những cánh rừng, tạo điều kiện khôi phục những cây con bản địa, thông qua việc đa dạng sinh học.
  • Xây dựng HỆ SINH THÁI THỰC PHẨM - chuỗi giá trị nông sản & dược liệu theo hướng nông nghiệp sinh thái:
  • Mang tới cho người tiêu dùng những sản phẩm thực phẩm, chăm sóc sức khỏe, chăm sóc cơ thể (nông sản tươi - chế biến, thuốc nam, sản phẩm dinh dưỡng, chăm sóc cơ thể…) được canh tác minh bạch từ rừng: sạch từ đất, nước, không khí, nguồn giống bản địa, nuôi trồng không hóa chất, thu hoạch không chất bảo quản và đảm bảo đủ dinh dưỡng do sự hội tụ tinh hoa của đất – nước – ánh sáng mặt trời và chất kháng sinh tự nhiên Phytoncide ( tạo nên “Thực phẩm chính là thuốc tốt nhất”, “thực phẩm là cội rễ của vạn vật, chính thực phẩm và chỉ có thực phẩm chữa bách bệnh”.
  • Hướng tới chuyển giao nhân rộng mô hình cho các hộ xung quanh, xây dựng vùng nguyên liệu dược liệu, gia vị hơn 100ha đạt tiêu chuẩn BIO TRADE có thể xuất khẩu.
  • Tạo sinh kế bền vững và cải thiện thu nhập, sức khỏe cho bà con trong thôn xã, thu hút người trẻ trở về quê lập nghiệp, giữ người nông dân ở lại và phát triển trên chính mảnh đất của mình.
  • Tăng cường nhận thức của cộng đồng địa phương về tầm quan trọng của việc giữ và tái tạo rừng, có thể trở thành mô hình điểm về mô hình Vườn rừng: kết hợp nông lâm nghiệp nhằm tái tạo những cánh rừng, duy trì cân bằng sinh thái, góp phần chống biến đổi khí hậu, có khả năng nhân rộng được ra toàn xã, toàn huyện, tỉnh và nhiều nơi khác.
  • Phục dựng, duy trì và phát huy giá trị bản địa: Các sản phẩm truyền thống của đồng bào dân tộc Thổ: bắt đầu từ kiến trúc trong việc xây dựng trang trại, các bài thuốc nam cổ truyền, ẩm thực truyền thống sau đó sẽ từng bước thành lập làng sinh thái của người Thổ.
  • Thúc đẩy phụ nữ miền núi vươn lên tạo dựng sự nghiệp riêng của mình, giảm thiểu sự bất bình đẳng đang tồn tại trong cộng đồng.

Duy trì hoạt động HTX trong đại dịch

Hợp tác xã của chúng tôi được thành lập và hoạt động chỉ trước khi đại dịch COVID 19 diễn ra một thời gian ngắn nên khá khó khăn. Tuy nhiên, trong năm 2020, khi đại dịch vẫn còn chưa ảnh hưởng nặng nề, việc giao thương còn dễ dàng, chúng tôi ngoài việc thiết lập mô hình vườn rừng phủ xanh 3ha đồi trọc trước đó trồng độc canh keo với hơn 100 loài, bao gồm cả các cây rừng bản địa, cây ăn quả, cây lương thực và dược liệu bản địa.

Đồng thời, chúng tôi bước đầu đưa ra thị trường sản phẩm chế biến là mật ong lên men, các dược liệu lên men cùng mật ong như: gừng, tỏi, nghệ, chùm ngây, sâm bố chính, thiên môn đông…. mang lại nguồn doanh thu đủ để vận hành hệ thống, trả lương tao thu nhập đều đặn cho đội ngũ lao động bao gồm: Phụ nữ hộ nghèo, dân tộc thiểu số, những người già đã quá độ tuổi các khu công nghiệp nhận và khá khó khăn trong tìm kiếm việc làm. Số nhân sự làm việc cố định cho Vườn rừng Bản Thổ là 4 nhân sự, thời vụ có những thời điểm lên tới 15 lao động.

Đại dịch diễn ra ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển, mở rộng thị trường cho Hợp tác xã. Nhất là trong năm 2021.

  • Việc đi lại khó khăn, các đơn vị giao hàng ngừng hoạt động làm hàng hóa đình trệ, không giao tới khách hàng được, khiến doanh thu sụt giảm.
  • Việc các đối tác cung cấp nguyên liệu cũng không giao hàng được tới, dẫn tới việc các hoạt động sản xuất của HTX cũng diễn ra không trơn tru, đôi khi phải tạm dừng.
  • Doanh thu sụt giảm dẫn tới nhiều hạng mục của hợp tác xã chưa triển khai được. Đồng thời để duy trì thu nhập ổn định cho lao động cố định, HTX cũng khá chật vật.

Tuy nhiên, việc đại dịch diễn ra nghiêm trọng làm ngày càng nhiều người quan tâm hơn tới việc nâng cao sức đề kháng, sức khỏe từ các sản phẩm thiên nhiên. Các sản phẩm của Bản Thổ đi theo xu hướng này, bởi vậy dung lượng thị trường của sản phẩm mở ra lớn, nhu cầu ngày càng tăng. Do vậy, HTX Bản Thổ vẫn dựa vào xương sống của mình là việc phát triển bền vững, tái tạo rừng, khôi phục và phát huy những tài nguyên bản địa, đồng thời sản xuất ra những sản phẩm tốt cho sức khỏe, có khả năng tăng sức đề kháng với những nguyên liệu được canh tác sinh thái, giàu dinh dưỡng và sạch từ đất – nước – không khí. Đó cũng là sản phẩm mà xu thế xã hội trong và sau dịch Covid – 19 cần tới.

Các sản phẩm của Bản Thổ là sản phẩm lên men dược liệu cùng mật ong: những sản phẩm này vừa có các chất dinh dưỡng, kháng sinh tự nhiên, lại chứa nhiều enzyme, các lợi khuẩn có lợi cho hệ tiêu hóa – hệ miễn dịch của con người. Thành phần tạo nên sản phẩm là những nguyên liệu thuần tự nhiên. Đây là sản phẩm được người tiêu dùng sử dụng ngày càng nhiều trước nỗi lo đại dịch và mong muốn tăng sức đề kháng, bảo vệ gia đình.

HTX đẩy mạnh việc hợp tác với các hội nhóm đoàn thể của địa phương, từ đó chia sẻ kinh nghiệm và chuyển giao kĩ thuật để bà con sống xanh hơn. Cụ thể, trong thời gian tới, HTX sẽ chuyển giao:

  • Kĩ thuật làm chế phẩm vi sinh xử lý mùi hôi chuồng trại vật nuôi.
  • Quy trình phân loại rác, cách thức để hạn chế rác thải nhựa trong mỗi hộ dân. Đồng thời biến rác hữu cơ thành phân bón, giảm thiểu chi phí đầu tư phân bón hóa học cho bà con.
  • Hợp tác với hội nông dân, đoàn thanh niên, hội phụ nữ tập huấn bà con làm chế phẩm vi sinh tự làm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật từ cây cỏ xung quanh, về cân bằng sinh học.
  • Liên kết với 1 số hộ dân theo quy trình canh tác sạch, không sử dụng hóa chất hóa học để bà con trồng nguyên liệu phục vụ cho việc chế biến của HTX (Hợp tác xã).
  • Thu hút thêm các cộng sự trẻ khi làn sóng người trẻ trở về quê khi những bất ổn của đại dịch covid ập đến các thành phố lớn.

Từ đó sẽ giúp bà con giảm thiểu sự lạm dụng hóa chất độc hại, tiết kiệm chi phí trong làm nông nghiệp, nâng cao sức khỏe, sự chủ động trong sản xuất, giảm thiểu sự bất bênh do đại dịch covid 19.

Bài học từ đại dịch COVID-19

  • Bám sát tài nguyên bản địa: phát triển từ chính nguồn lực địa phương sẽ mang lại lợi thế lớn trong đại dịch covid.
  • Phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể địa phương như Đoàn thanh niên, hội nông dân, hội phụ nữ - đây sẽ là lực lượng hỗ trợ đắc lực cho việc tìm kiếm cộng sự, kết nôi sâu với nhân sự địa phương.
  • Sản xuất xanh, bền vững, ít phát thải, ít tiêu tốn tài nguyên sẽ giảm thiểu chi phí. Đồng thời, tập trung sản xuất các sản phẩm có thành phần tự nhiên lại giúp tăng đề kháng – đầu ra của thị trường lớn.
Chia sẻ ngay:

Bình chọn ngay

HTX Bản Thổ - Khát vọng hồi sinh những cánh rừng và giấc mơ sinh kế bền vững

Thịnh An ngôi nhà yêu thương của người làm chè

Think Playgrounds – Đi tìm hướng đi mới cho không gian công cộng ngoài trời

Ecosoi và câu chuyện tạo sinh kế cho người dân từ sợi dứa

Én Xanh 2021: Kết nối, lan toả và truyền cảm hứng cho các sáng kiến kinh doanh ứng phó đại dịch Covid-19

Trang chủ

Giới thiệu Én Xanh

Én xanh kể chuyện

Vaccine Én xanh

Tọa đàm

Đào tạo

Hackathon

Tin tức - Sự kiện

Liên hệ

Địa chỉ: Phòng 2302, Tòa nhà 101 Láng Hạ,
Đống Đa, Hà Nội

Điện thoại: +84 24 3537 8746

Email: enxanh2019@gmail.com

Social Media

Bản quyền chương trình Én Xanh thuộc về CSIP