Tôi là một phụ nữ dân tộc Giáy. Năm 17 tuổi, tôi lấy chồng và sống chung cùng bố mẹ chồng. Phong tục tập quán của người dân tộc thiểu số ở trên núi cao hãy còn lạc hậu. Con dâu trong gia đình phải tuân theo nhiều hủ tục như không được ngồi ăn chung mâm cùng bố chồng, không được lên gác, không được thả tóc trong nhà… Những điều lạc hậu ấy dần nhen nhóm trong tôi khát vọng làm một điều gì đó để tìm lại sự công bằng cho phụ nữ.

Sau 2 năm làm dâu, tôi đã tự mình làm các món đặc sản dân tộc như bánh trưng đen, cơm lam, bánh dầy… lên bán ở Sa Pa. Đến năm 2012, tôi bắt đầu vận động chồng cùng bố mẹ chồng sửa lại căn nhà đang ở hiện tại để làm dịch vụ du lịch. Phụ nữ chúng tôi ở đây vốn không có tiếng nói nên việc thuyết phục ban đầu không thành công. Mất 2 năm, đến 2014, thêm chị gái tôi cùng thuyết phục thì gia đi tôi mới đồng ý. Giai đoạn sửa nhà gặp rất nhiều khó khăn. Trong tay tôi chỉ có 40 triệu làm vốn trong khi chi phí sửa nhà lên đến 350 triệu. Tôi lại thuyết phục bố chồng tôi cho mượn sổ đỏ để vay ngân hàng và mượn thêm các bác, bố nuôi cùng anh em họ hàng.

Homestay đi vào hoạt động vào ngày 20/10/2014. Chị gái tôi tên là Hoa, tôi tên là Chanh nên chúng tôi đặt tên homestay là Hoa Chanh. Nhờ quan hệ của chị tôi mà homestay rất đông khách. Hai chị em cùng nhau làm được 6 tháng thì thuê thêm cơ sở để mở rộng và chị tôi tách hẳn để tôi tự làm và tự quản lý. Bấy giờ, tôi cảm thấy lo lắng vì phải ôm một đống nợ mà dòng khách thì chưa biết tìm ở đâu. Tôi chỉ học đến lớp 5, nói tiếng Việt còn không sõi, tiếng Anh không biết gì thì chăm sóc khách như thế nào. Thế mà ngoảnh đi ngoảnh lại, 2 năm trôi qua, đến 2016, tôi đã trả được hết nợ.

Nhưng cùng năm ấy, tôi chửa đứa thứ hai, xao nhãng việc quản lý homestay nên làm mất rất nhiều mối khách. Sau đó, tôi đã phải tự đi Hà Nội, vào phố cổ, đến từng văn phòng du lịch để giới thiệu sản phẩm dịch vụ của mình. Chẳng uổng công, tôi đã tìm được 4 đối tác ký hợp đồng lâu dài. Qua đó, tôi hiểu được chăm sóc khách hàng quan trọng đến thế nào. Tìm đối tác đã khó, giữ đối tác còn khó hơn.

Hoa Chanh Homestay cứ thế phát triển, đón nhiều lượt khách trong và ngoài nước. Một chuyên trang về trải nghiệm du lịch đã viết về homestay của tôi như thế này:

“Nằm ở bản Tả Van với tầm nhìn ra khung cảnh dãy Hoàng Liên Sơn và thung lũng Mường Hoa đẹp như tranh vẽ, Hoa Chanh Homestay là chốn dừng chân lý tưởng cho những người muốn hưởng thụ một chuyến du lịch an yên, lánh xa nhịp sống gấp, ồn ào và bụi bặm của đô thị và tận hưởng nét văn hóa đặc trưng ở nơi đây, không gian chậm trãi, bình yên. Không quá xa trung tâm thành phố Sapa, du khách chỉ mất khoảng 20 phút từ trung tâm đi bằng xe máy là đến được Hoa Chanh Homestay. Ngoài ra, từ Homestay Hoa Chanh cũng rất thuận lợi cho du khách đến các địa điểm du lịch nổi tiếng khác của Sapa như Bãi đá cổ cách 1500m, Cầu mây cách 500m, đến Cô bé Tả Van cách 600m.”

Chúng tôi cũng nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ những khách hàng đã trực tiếp lưu trú, đây là một ví dụ:

“Hoa Chanh Homestay Sapa tuy không gần các khách sạn trong thị trấn, không thuận tiện bằng nơi khác nhưng nó chính là nơi mang lại sự gần gũi với bà con miền núi phía Tây Bắc. Con đường vào nhà được trồng khá nhiều hoa. Homestay có view cảnh nhìn ra xung quanh là đồi núi, ruộng bậc thang rất đẹp, hứa hẹn sẽ cho bạn những bức hình đáng nhớ. Chủ Hoa Chanh Homestay Sapa cũng rất thân thiện và mến khách.”

Từ 2017 đến 2019, tôi làm thêm một số bungalow và một nhà sàn 5 gian, ký hợp đồng với đối tác có đoàn từ 100 đến 150 khách một đêm. Dù phải trả lãi 4 triệu/tháng, tôi nghĩ có thể sớm thu hồi vốn, nhưng đại dịch Covid ập đến là một biến cố không ngờ. Từ 8/3/2020, Hoa Chan Homestay buộc phải tạm dừng đóng cửa đến bây giờ. Hai năm qua thực sự rất khó khăn cho chúng tôi. Không có khách, tôi phải cho bên thủy lợi thuê làm văn phỏng. Thỉnh thoảng văn phòng của họ cũng có đoàn đến đặt ăn. Tôi làm một số đặc sản của dân tộc Giáy đi bán tại các hội chợ do các dự án và Hội phụ nữ tỉnh, thị xã giới thiệu, bán trên mạng xã hội, nhờ đó mới đủ chi phí trang trải. Mới đây, tôi vừa thành lập được một đội văn nghệ tên là Đội Văn nghệ Phụ nữ Khởi nghiệp nhằm tạo ra những dịch vụ văn hóa đặc sắc hơn và giúp các chị em phụ nữ vùng cao có thêm thu nhập ổn định. Đó cũng là sự chuẩn bị sẵn sàng của chúng tôi để tiếp tục đón khác du lịch quay trở lại sau khi hết dịch.

Tham gia Én Xanh 2021, tôi mong muốn được học hỏi thêm nhiều kiến thức và kinh nghiêm để truyền đạt lại cho các chị em phụ nữ vùng cao như tôi. Tôi cũng mong mình nhận được vốn hạt giống để đầu tư sân chơi, mua loa đài cho đội văn nghệ và homestay của mình.

Xin chân trọng cảm ơn và chúc tất cả các anh chị em thật dồi dào sức khỏe để vượt qua khó khăn thử thách.

Lương Thị Chanh

Chia sẻ ngay:

Bình chọn ngay

Hoa Chanh – Homestay đậm chất Sapa của cô chủ người Giáy

Công ty Hoàng Đức - Én xanh là một cơ hội tuyệt vời sau những gì chúng tôi đã và đang trải qua

Gạo Ông Thọ và hành trình vượt dịch

HopeBox – Khiêm nhường gieo hy vọng cho phụ nữ chịu tổn thương bởi bạo lực gia đình và bạo lực giới

Én Xanh 2021: Kết nối, lan toả và truyền cảm hứng cho các sáng kiến kinh doanh ứng phó đại dịch Covid-19

Trang chủ

Giới thiệu Én Xanh

Én xanh kể chuyện

Vaccine Én xanh

Tọa đàm

Đào tạo

Hackathon

Tin tức - Sự kiện

Liên hệ

Địa chỉ: Phòng 2302, Tòa nhà 101 Láng Hạ,
Đống Đa, Hà Nội

Điện thoại: +84 24 3537 8746

Email: enxanh2019@gmail.com

Social Media

Bản quyền chương trình Én Xanh thuộc về CSIP