“Xuất phát điểm từ lòng tự hào về một quốc gia có nền văn hoá nông nghiệp lâu đời, Agritage Việt Nam trân trọng những tri thức bản địa của dân tộc, các giá trị văn hoá của các tộc người sống trên dải đất hình chữ S. Do vậy, chúng tôi khao khát được cống hiến và góp sức mình để giữ gìn, xây dựng, phát triển và lan truyền các giá trị văn hoá, tri thức bản địa của người Việt Nam tới người Việt Nam và bạn bè thế giới.”
Việt Nam là một quốc gia có nền văn hoá nông nghiệp. Trải qua nhiều thế hệ, văn hoá nông nghiệp đã trở thành đặc trưng của con người Việt Nam: luôn tôn thờ, gắn bó, hoà hợp với thiên nhiên và đề cao lối sống cộng đồng, làng xóm. Tuy nhiên, nông thôn Việt Nam ngày nay hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn, khi mà biến đổi khí hậu khiến thiên tai, lũ lụt xảy ra thường xuyên hơn, khi mà nguyên đất và nước bị suy thoái nghiêm trọng do canh tác nông nghiệp lạm dụng hoá chất. Nông dân tìm cách di cư ra các đô thị để kiếm việc làm và thu nhập khiến kết cấu cộng đồng làng xã đang dần thay đổi và có nguy cơ tan rã.
Trăn trở trước bối cảnh này, năm 2016, công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Tây Bắc – Agritage Việt Nam được thành lập với tầm nhìn trở thành Tổ hợp tiên phong xây dựng và nhân rộng hệ sinh thái Nông nghiệp di sản Việt Nam và sứ mệnh bảo tồn và phát triển Nông nghiệp di sản Việt Nam. Sứ mệnh này được khẳng định ngay ở chữ “Agritage” mà chúng tôi đưa vào tên Doanh nghiệp - Agritage là tên viết tắt, được ghép bởi hai chữ tiếng Anh: Agriculture (Nông nghiệp) và Heritage (Di sản). Agritage có thể hiểu là: Nông nghiệp di sản. Thông qua Agritage Việt Nam, chúng tôi khao khát được cống hiến và góp sức mình để giữ gìn, xây dựng, phát triển và lan truyền các giá trị văn hoá, tri thức bản địa của người Việt Nam tới người Việt Nam và bạn bè thế giới.
“Làng Nông nghiệp Di sản” – mô hình do đội ngũ chúng tôi dành nhiều tâm tư để xây dựng, phát triển tại các cộng đồng – chính là hệ sinh thái sản xuất, cung ứng sản phẩm nông nghiệp và triển khai hoạt động du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Chúng tôi đã vận hành và tận dụng hệ sinh thái đó, thông qua từng bước sau:
Agritage Viet Nam xây dựng nên các Làng nông nghiệp di sản. Làng nông nghiệp di sản được định nghĩa là một địa điểm có đầy đủ 5 yếu tố cấu thành, bao gồm: (i) Sinh kế bền vững và an ninh lương thực. ; (ii) Đa dạng sinh học trong nông nghiệp ; (iii) Hệ thống tri thức bản địa trong canh tác nông nghiệp được khôi phục và lưu giữ; iv) Hệ thống giá trị văn hoá và tổ chức cộng đồng; (v) Hệ thống cảnh quan đặc trưng
Việc xây dựng Làng Nông nghiệp Di sản không đơn giản chỉ tìm kiếm, mà là cả một quá trình xây dựng, bổi đắp và nhân rộng một cách có hệ thống hoàn thành từng tiêu chí một. Để đảm bảo tiêu chí Đa dạng sinh học trong nông nghiệp, Agritage không chỉ nuôi trồng đa dạng các loại động thực vật, thủy sản, nhân rộng và sẻ chia các giống sinh vật bản địa, mà còn duy trì canh tác thuận tự nhiên như sử dụng phân bón vi sinh tự chế, trồng các loài cây, cỏ theo hướng cộng sinh, và diệt trừ sâu bệnh theo nguyên lý thiên dịch… Cùng với đó, Agritade và cộng đồng cùng nhau khôi phục và ứng dụng các kinh nghiệm, tri thức nông nghiệp của đồng bào các dân tộc vào hoạt động sản xuất, điển hình là khôi phục lại và sử dụng các coong nước, mương dẫn nước của đồng bào người Thái, Mường tại địa phương cho canh tác nông nghiệp ở Làng Nông nghiệp di sản Vân Hồ. Agritrade còn nỗ lực lưu giữ hệ thống giá trị văn hóa và cộng đồng cũng như duy trì, phát huy cấu trúc cộng đồng hiện có tại các Làng Nông nghiệp di sản thông qua việc thành lập các HTX Cộng đồng được hoạt động dựa trên sự điều hành, tự quyết của dân làng, để HTX đại diện cho cộng đồng trong việc hợp tác, trao đổi với các đối tác khác. Dựa trên kinh nghiệm, tri thức bản địa kết hợp với ứng dụng tiến bộ Khoa học trong sản xuất và quản lý, thông qua việc xây dựng các làng trở thành Làng Nông nghiệp Di sản, sinh kế của cư dân địa phương không chỉ được đảm bảo, mà hệ thống sinh thái địa phương – từ rừng già, suối cá, hạng động – được bảo tồn nguyên trạng.
Agritage Việt Nam xây dựng và phát triển thương hiệu Nông sản Đồng Rừng. Nông sản Đồng rừng là kênh phân phối các sản phẩm nông nghiệp được làm ra tại các Làng nông nghiệp di sản, các Hợp tác xã địa phương đang đồng hành cùng chúng tôi thực hành canh tác nông nghiệp thuận tự nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu. Nông sản Đồng Rừng thực hiện vai trò phát triển thương hiệu, marketing sản phẩm và xây dựng kênh phân phối.
Agritage Việt Nam xây dựng thương hiệu Du lịch Đồng Rừng: Agritage Việt Nam xây dựng thương hiệu Du lịch Đồng Rừng – cung cấp các tour Du lịch trải nghiệm và du lịch sinh thái được tổ chức ở những Làng nông nghiệp di sản. Bên cạnh động lực kinh tế, Du lịch cộng đồng với chúng tôi là một cầu nối giúp lan toả niềm tự hào về văn hoá nông nghiệp của Việt Nam và của mỗi tộc người sinh sống trên mảnh đất Việt. Du khách đến thăm Làng nông nghiệp di sản có khu lưu trú để nghỉ ngơi và cùng cộng đồng trải nghiệm những hoạt động canh tác nông nghiệp, thưởng thức hệ thống cảnh quan thiên nhiên, các hoạt động văn hoá tập thể của cộng đồng, món ăn đặc trưng và không khí trong lành của vùng đất đang thực hành canh tác nông nghiệp thuận tự nhiên.
Là một trong những đơn vị tiên phong trong việc triển khai và lan tỏa mô hình Nông nghiệp Di sản, chúng tôi tự hào về những thành tựu nhỏ bé nhưng có ý nghĩa với cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số ở Hòa Bình, Vân Hồ và khu vực lận cận mà mình đóng góp. Hiện nay, Agritage Việt Nam, với sự đồng hành của Đại sứ quán Úc và UBND huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, và cộng đồng hơn 60 hộ dân người Thái, Mường tại bản Bướt, xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ xây dựng và đi vào vận hành mô hình Làng nông nghiệp di sản đầu tiên tại Việt Nam. Làng Nông nghiệp di sản Vân Hồ – Vân Hồ Agritage được vận hành bởi Hợp tác xã Đồng Rừng Vân Hồ, do người dân trong bản làm chủ. Từ bản Bướt – Vân Hồ, giống lúa Tẻ râu, là giống lúa bản địa, được ưa chuộng trên thị trường nhưng chưa có thương hiệu – đẫ được phân phối ra thị trường nội địa chất lượng cao với thương hiệu Gạo Đồng rừng Tẻ râu mà bởi đó, các hộ dân trồng lúa tẻ râu có thể bán thóc với giá 15.000 đồng/kg, cao gấp đôi giá gạo thông thường. Bên cạnh đó, những sản phẩm hạt bản địa và các giống hạt, cây có củ có giá trị dinh dưỡng và được ưa chuộng trên thị trường cao cấp nội địa cũng được sưu tập và nhân giống tại bản. HTX cộng đồng đứng ra thu mua, đóng gói và Agritage hỗ trợ họ phát triển kênh phân phối ra thị trường chất lượng cao tại Hà Nội và các thành phố lớn. Thông qua canh tác các giống bản địa, người nông dân bản Bướt có thu nhập từ 60 đến 70 triệu đồng/ năm/ 1ha.
Cùng với đó, chúng tôi đóng vai trò là đầu mối mua thóc và các loại hạt cho 350 hộ dân là người dân tộc Thái, Mường tại Hòa Bình và Vân Hồ, Sơn La với gần 80ha lúa và hạt bản địa. Trung bình mỗi hộ có thể thu từ 60 đến 70 triệu đồng/ 1 ha canh tác lúa và hạt/ vụ. Chúng tôi cũng tiến hành phân phối các sản phẩm dược liệu cho bà con người Dao tại Agritage + Tả Phìn, Sapa.
Năm 2020, 2021 doanh thu của Agritage Việt Nam giảm xuống từ 30% đến 40%. Là doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp – được coi là hàng hóa thiết yếu trong mùa dịch Covid-19, nhưng chính đại dịch khiến Agritage gặp khó khăn kép, khi mà (i) tệp khách hàng trung và cao cấp mà Agritrade hướng lựa chọn tiêu dùng sản phẩm giá thấp hơn (ii) sự đứt gãy của chuỗi cung ứng. Đến đợt giãn cách Xã hội thứ 4, doanh số mảng gạo và hạt bản địa chất lượng cao bi giảm tới 40%, do sản phẩm được chủ yếu được sản xuất tại các xã vùng cao, lệnh giãn cách xã hội khiến chuỗi cung ứng bị đứt gẫy hoàn toan, bà con không thể chuyển nông sản ra kho của doanh nghiệp để tập kế. Không chỉ vậy, Agritage gặp áp lực cạnh tranh lớn từ việc thị trường gạo giảm giá hàng loạt, khi các thương hiệu gạo trong nước tung ra các chương trình khuyến mại thúc đẩy tiêu thụ trong nước bởi các đơn hàng quốc tế không xuất khẩu kịp. Hơn 200 cửa hàng thực phẩm sạch, đại lý phân phối kênh bán hàng trực tiếp bị giảm doanh số. Doanh số từ tour du lịch nội địa đóng băng hoàn toàn.
Covid đặt chúng tôi trước câu hỏi, phải làm gì để sống sót và duy trì được những thành quả đã gây dựng, đặc biệt là phải làm gì để duy trì được sự ổn định trong thu mua nông sản cho hơn 350 hộ nông dân ở Hòa Bình và Sơn La. Nguồn thu nhập từ bán nông sản cho doanh nghiệp trong thời kỳ Covid lại trở thành nguồn thu chính của gia đình các nông dân ở Tây Bắc khi những người chồng, người cha trở về từ thành phố do đại dịch. Doanh nghiệp của tôi cũng gặp khó khăn về tài chính do đã đầu tư vào cơ sở hạ tầng để phát triển du lịch.