Có những doanh nghiệp nản chí và chật vật vì 'cơn bão' Covid, nhưng có những doanh nghiệp thông qua khó khăn mà khẳng định được niềm tin, tầm nhìn, nội lực của mình.
“Đây là một thời đại rất áp lực và mệt mỏi, bình thường công việc nặng nề giờ dịch bệnh đến càng gây áp lực lớn hơn, con người luôn phải giữ trạng thái kết nối 24/7 cùng với đó là bội thực thông tin, người ta biết quá nhiều nhưng cuối cùng là không biết gì cần biết và bị phân tâm khi không thể tập trung vào gì cả. Bối cảnh hiện nay cho chúng ta nhận thức rõ ràng rằng loài người đang bị tấn công bởi đại dịch.”
Ông Giản Tư Trung, Hiệu trưởng Trường Doanh Nhân PACE, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục (IRED) mở đầu phần phát biểu của mình tại tọa đàm “Lãnh đạo và sức khỏe tinh thần thời khủng hoảng” trong khuôn khổ chương trình Én xanh 2021 - Cánh én kiên cường vượt bão giông.
Đánh giá hiện nay khủng hoảng văn hóa là một trong những biến động khủng khiếp nhất với tốc độ lây lan chóng mặt, ông Trung cho rằng: “Khác với khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng văn hóa không diễn biến theo “đồ thị hình sin” mà chỉ đi lên hoặc đi xuống, nhất là trong thời kỳ “loạn chuẩn” này”.
Cũng theo ông Trung, khủng hoảng văn hóa khiến niềm tin của con người bị đổ vỡ. Điều đó khiến những người lãnh đạo doanh nghiệp xã hội cũng vì thế mà bắt đầu bị lung lay lòng tin cũng như lý tưởng ban đầu mà mình đề ra.
Tổ chức Teach for Vietnam là một mô hình hoạt động dựa vào nguồn tài trợ của các Tổ chức, các Quỹ, Cá nhân và Doanh nghiệp để chi trả lương (ở mức sống được nhưng không cao) cho các bạn trẻ có năng lực, để các bạn về vùng nông thôn khó khăn và dạy học cho các em học sinh.
Ông Huỳnh Hạnh Phúc, người sáng lập của Teach for Vietnam, chia sẻ tại diễn đàn, vì Covid-19 khiến nguồn tài trợ suy giảm, phải giảm lương của các bạn giáo viên trong khi trước đó mức lương cũng chỉ ở mức vừa phải, khiến ông cũng như các bạn đều cảm thấy rất mơ hồ về công việc mình đang làm.
Ngoài việc hoàn cảnh xã hội gây áp lực lớn lên doanh nghiệp, sự nghi ngờ đến từ những chủ thể khách quan xung quanh khiến nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp cũng tự thấy nghi ngại về lý tưởng của bản thân và con đường mình đang theo đuổi.
Theo đó, chia sẻ những lo âu về sự lệch hướng so với mục tiêu ban đầu đề ra, bà Đinh Thị Hảo - Giám đốc, Công ty CP Du lịch Đà Bắc CBT– doanh nghiệp phát triển du lịch cộng đồng ở Đà Bắc (Hòa Bình) cho biết: “Hoạt động trong lĩnh vực du lịch nên chúng tôi gặp nhiều khó khăn như suy giảm về khách nước ngoài, lo ngại của đối tác kinh doanh, những bà con trong chuỗi du lịch cộng đồng, áp lực, nghi ngại của chính quyền địa phương về hình thức hoạt động của doanh nghiệp”.
VUCA là tên viết tắt của các từ trong quan điểm cho rằng môi trường kinh doanh luôn phải đối mặt với: nhiều biến động (Volatility), bất định (Uncertainty), phức tạp (Complexity) và mơ hồ (Ambiguity). Chung quy lại, những thay đổi nhanh chóng này đang gây áp lực cực lớn lên các lãnh đạo doanh nghiệp theo những cách không thể lường trước được.
Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, tâm trạng bất an, lo lắng, không biết đi đâu về đâu, cùng với tương lai mịt mù vì lo sợ không biết mình đã đi đúng hướng chưa, nhiều doanh nghiệp xã hội bị rơi vào khủng hoảng, khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng tinh thần và cả khủng hoảng văn hóa.
“Tôi đã rơi vào khủng hoảng và phải mất tới 2 năm để cân bằng thân – tâm – trí, sau đó mới có thể quay lại tập trung vào nội lực để kết nối lại với bản thân và chăm sóc lại sức khỏe tinh thần”, bà Nguyễn Thị Huyền, Tổng Giám đốc Công ty Quế Hồi Việt Nam (Vinasamex) sẻ tại Tọa đàm.
Ông Giản Tư Trung nhấn mạnh: “Trong bối cảnh VUCA này, có sức khỏe tinh thần tốt thì mới là lạ kỳ!”
Trước bối cảnh hiện nay, ông Giản Tư Trung cho biết chấp nhận sự tồn tại của biến cố, tìm cách vượt qua, vững vàng từ bên trong là tất cả những gì người lãnh đạo doanh nghiệp nên làm khi đối diện với nghịch cảnh.
Để làm được những điều trên, hơn bao giờ hết, những nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần ngay lập tức thức thời, đẩy mạnh nâng cao sức khỏe tinh thần cũng như sức khỏe xã hội của doanh nghiệp. Người lãnh đạo phải có sức khỏe tinh thần thì mới giúp nhân viên, cũng như doanh nghiệp có sức khỏe tinh thần, từ đó vực dậy doanh nghiệp giữa thời buổi đầy biến động này.
Tại Tọa đàm, ông Trung nhận định: “Để có sức khỏe tinh thần tốt, nhà lãnh đạo cần biết chữa lành và thay đổi tư duy. Trước tiên là thoát khỏi nỗi đau, thoát khỏi sự sợ hãi và thoát khỏi hoảng loạn. Cùng với đó là trau dồi bản thân ngày một tốt hơn, biết lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ và đồng cảm với nhân viên. Từ đó sẽ biết cách để nhìn nhận đánh giá sự việc khách quan hơn, và có thể chữa lành cho bản thân cũng như những người đồng hành cùng mình.”
Với mong muốn tạo ra một môi trường mà ở đó người khuyết tật được đối xử bình đẳng và có cơ hội thể hiện vai trò của mình, năm 2014, Journey of the Senses (JOS) ra đời. Đây là một mô hình mang lại trải nghiệm thông qua những giác quan, gồm các nhà hàng cao cấp và dịch vụ sáng tạo cung cấp bởi những người khuyết tật.
Chia sẻ về nguyên lý để vượt qua những khó khăn mà Covid-19 đem lại, ông Vũ Anh Tú, đồng sáng lập Công ty Hành trình các giác quan (Journey of senses) cho biết: “Trên nguyên lý thấu cảm – đồng cảm – trắc ẩn để khắc phục, doanh nghiệp đã tìm cách nâng cao lòng tin của nhân viên trong mùa dịch, ở đây là đảm bảo sự an tâm, an toàn trong công việc của họ. Trong bối cảnh Covid, thì vấn đề an toàn sức khỏe được các bạn nhân viên ưu tiên hàng đầu, do đó JOS đã rất thấu hiểu và cung cấp thông tin để các nhân viên đưa ra sự lựa chọn từ đó thay đổi quy trình làm việc, nâng cao an toàn trong tiếp xúc”.
Cùng với đó, một trong những giải pháp mà các doanh nghiệp sử dụng để vượt qua những khó khăn trong đại dịch đó là một lần nữa xác định rõ mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp là mang những điều tốt lành đến với người khác và xã hội thông qua sản phẩm, dịch vụ của mình.
“Doanh nghiệp chúng tôi hoạt động trên sự mong muốn thay đổi giúp đỡ người khác thông qua hoạt động kinh doanh, luôn giữ gìn giá trị cốt lõi dẫn dắt là sự trung thực, tính trách nhiệm, khả năng cống hiến, đồng cảm, minh tuệ từ đó giúp hình thành “bộ gene” Viên Minh của hôm nay”, bà Hồ Phương Anh, người sáng lập lên doanh nghiệp Viên Minh chia sẻ.
Bên cạnh đó, để có thể thật sự nâng cao sức khỏe tinh thần cũng như sức khỏe xã hội có tính bền vững, lâu dài, người lãnh đạo phải biết “nhân bản” những người có cùng tư duy, cùng lý tưởng, cùng chí hướng và dẫn lối cho họ biết cách tự đi kể cả khi chỉ còn một mình.
“Nguồn lực lớn nhất của một quốc gia là con người, đặc biệt là tài nguyên lãnh đạo. Một doanh nghiệp tốt chỉ cần đặt một người lãnh đạo tồi thì doanh nghiệp đó sẽ tan nát, nếu doanh nghiệp đang tan nát mà có lãnh đạo tốt sẽ khôi phục, vượt qua và còn phát triển tốt hơn nữa” ông Giản Tư Trung khẳng định.
Chia sẻ về lợi thế trong hành trình vượt khó của những doanh nghiệp xã hội, ông Giản Tư Trung cho rằng bản thân các doanh nghiệp xã hội trên đều có “đạo sống” rất mạnh, từ đó tạo thành làn sóng truyền đến tất cả nhân viên. Dù hoạt động kinh doanh thì luôn có khó khăn, nhưng các nhân viên đều thẩm thấu giá trị, “lẽ sống” của doanh nghiệp để đồng cam cộng khổ, cùng nhau vượt khó.
Cụ thể, theo ông Trung, “lẽ sống” của doanh nghiệp xã hội là tạo ra những giá trị rất đặc biệt, nhân văn và “hay”, giúp tạo cho người nông dân, người thiệt thòi, đồng bào, người khuyết tật công ăn việc làm và sinh kế chính đáng; cũng như giáo dục khách hàng, thị trường thông qua kinh doanh, trong đó không chỉ đơn thuần bán sản phẩm, dịch vụ , mà còn bán trải nghiệm, bán sự nhân văn, bác ái, lòng trắc ẩn.
Đặt ngược lại vấn đề, Hiệu trưởng Trường Doanh Nhân PACE cũng cho rằng, Covid-19 là một phép thử cho doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp xã hội. Có những doanh nghiệp nản chí và chật vật, nhưng có những doanh nghiệp thông qua khó khăn mà khẳng định được niềm tin, tầm nhìn, nội lực của mình ; và thậm chí ngay cả những doanh nghiệp đã nhận thấy niềm tin, tầm nhìn,.. từ trước mà chưa đầy đủ thì có thể thông qua dịp này để có thể nhìn nhận và điều chỉnh lại.
Để vượt qua những nghi ngại, sự mất niềm tin vào nhiều giá trị hậu đại dịch, theo ông Giản Tư Trung, doanh nghiệp xã hội không nên bị ảnh hưởng, buồn phiền dao động vì những lời khen chê, hãy là chính mình và giữ vững chính kiến.
Bên cạnh đó, lãnh đạo doanh nghiệp nên xác định rõ khi làm công việc xã hội thì phải chấp nhận chuyện khen chê. Trong bối cảnh xã hội mất niềm tin, những nghi ngờ về lòng tốt, về những nỗ lực, cống hiến thiện lương vì người khác không phải điều gì khác thường.
Én Xanh là chương trình đầu tiên của Việt Nam được tổ chức 2 năm 1 lần nhằm tìm kiếm và tôn vinh các Sáng Kiến Kinh Doanh Vì Cộng Đồng.
“Chương trình Én Xanh 2021 - Cánh Én kiên cường vượt bão giông” đã chính thức khởi động với một loạt các chương trình được thực hiện trực tuyến từ tháng 10 đến tháng 12 năm 2021. Chương trình kết nối, lan toả và truyền cảm hứng cho các sáng kiến kinh doanh ứng phó đại dịch Covid-19 của các Doanh nghiệp Xã hội, Doanh nghiệp tạo tác động Xã hội và các Tổ chức Xã hội có sáng kiến kinh doanh trên khắp cả nước.
Chương trình Én Xanh 2021 do Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phục vụ Cộng đồng (CSIP) tổ chức với sự tài trợ của Ngân hàng Thế giới (World Bank), Cơ quan Phát triển Quốc tế Canada (GAC), Tổ chức Oxfam tại Việt Nam, Công ty TNHH Tư vấn và Phát triển nguồn lực IBE,… và sự hỗ trợ kỹ thuật của Học viện Quản lý PACE, Công ty Cổ phần Hội tụ nhân tài Talentpool,...cùng sự phối hợp của các cơ quan, tổ chức hỗ trợ các doanh nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam.