Làm lãnh đạo, kinh doanh hay bất cứ việc gì đều cần có lòng trắc ẩn bởi nó là yếu tố cốt lõi chi phối mọi đường đi, cách thức, giá trị của doanh nghiệp và cá nhân lãnh đạo.
Bên cạnh câu chuyện quản trị doanh nghiệp sao cho hiệu quả để có thể vượt qua cơn khủng hoảng và tìm cách hồi phục, phát triển trong bối cảnh mới thì một việc không kém phần quan trọng mà các nhà lãnh đạo cũng cần phải để tâm là quản trị tinh thần cho đội ngũ nhân sự và chính các nhà lãnh đạo.
Không chỉ đối mặt với những khó khăn về cuộc sống vật chất, khi nhân loại bị đại dịch tấn công, một cuộc khủng hoảng về văn hoá và niềm tin cũng nổ ra, các chuẩn mực bị đảo lộn.
Như ông Giản Tư Trung, hiệu trưởng trường doanh nhân PACE, từng nhận định trong chương trình Én Xanh 2021, đây là một thời kỳ loạn chuẩn. Việc giữ được sức khoẻ tinh thần tốt trong thời VUCA không phải là chuyện dễ dàng.
Theo đó, nhân loại đang ở trong một thời đại “PAID” với bốn thành tố: Pressured – áp lực; Always on – kết nối 24/7, Information overloaded – bội thực thông tin và Distracted – phân tâm.
“Ở bối cảnh này, không còn “tâm bất biến giữa đời vạn biến” nữa mà là “tâm bất biến giữa dòng đời tỷ tỷ biến”, ông Trung nói.
Vị chuyên gia này đặc biệt ấn tượng với những chủ doanh nghiệp và doanh nghiệp có “đạo sống” mạnh, truyền được vào từng nhân viên. Dù hoạt động luôn có rất nhiều khó khăn nhưng nhân viên đều thẩm thấu được các giá trị, lẽ sống của doanh nghiệp để đồng cam cộng khổ, cùng nhau vượt qua khó khăn.
Nguồn lực lớn nhất của một quốc gia là con người, đặc biệt là tài nguyên lãnh đạo. Một doanh nghiệp được dẫn dắt bởi một người lãnh lạo tồi thì sẽ tan nát. Nhưng nếu doanh nghiệp đang tan nát mà có lãnh đạo tốt sẽ vượt qua khó khăn, khôi phục và còn phát triển tốt hơn.
Ông Trung cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với những người làm được những điều lớn lao hoặc những người làm được điều đặc biệt. Trong đó, các doanh nghiệp xã hội thường làm những việc đặc biệt hoặc làm được cả hai điều kể trên. Và để làm được điều này, các doanh nghiệp phải có những người lãnh đạo đặc biệt.
Công ty Vinasamex do chị Nguyễn Thị Huyền làm tổng giám đốc hoạt động tại Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn, Bắc Giang, Quảng Trị, tạo việc làm cho 100 lao động cố định và 200 lao động thời vụ ở Yên Bái. Đáng chú ý, doanh nghiệp này rất tích cực trong việc thúc đẩy bình đẳng giới ở vùng nguyên liệu,..
Chị Huyền là một nữ lãnh đạo đi theo triết lý phụng sự, cụ thể là phụng sự khách hàng, xã hội và nhân viên. Đặc biệt, doanh nghiệp của chị chịu trách nhiệm tìm ra con đường để dẫn dắt mình và các nhân viên đi xa hơn trên hành trình phát triển bền vững.
Kể cả trong thời kỳ bình thường hay “loạn chuẩn” của thế giới, chị Huyền và nhiều lãnh đạo khác thấu hiểu rằng muốn yêu thương người khác thì trước hết phải yêu thương chính bản thân mình. Chị đã dành hai năm để cân bằng tâm-thân-trí, quay lại tập trung vào nội lực để kết nối lại với bản thân, chăm sóc sức khoẻ tinh thần.
Việc cân bằng tâm – thân – trí giúp chị tránh được việc mất cân bằng và có thể bình tâm để nhìn nhận vấn đề, định hướng các bước đi tiếp theo trước những khó khăn xảy đến hàng ngày, đặc biệt là kể từ khi đại dịch xảy đến.
Trong 2 năm qua, Vinasamex cũng đã đi vào củng cố tinh thần, tâm thức của đội ngũ nhân viên. Trong đó, công ty xác định lại trong tư duy của nhân viên về vấn đề cạnh tranh trên thị trường là sự cạnh tranh với chính mình thay vì cạnh tranh với đối thủ.
Sức khỏe tinh thần của nhân viên cũng được Vinasamex chăm sóc qua các buổi thiền, tập khí công hàng tuần, tặng sách – thức ăn cho tâm trí; các hoạt động sinh hoạt văn hóa doanh nghiệp…
Công ty TNHH doanh nghiệp xã hội Hành trình các giác quan (Journey of senses) là một doanh nghiệp thuộc lĩnh vực dịch vụ nên bị ảnh hưởng khá nhiều về hoạt động cũng như lo ngại về sự an toàn.
Để khắc phục, doanh nghiệp này tìm cách nâng cao lòng tin của nhân viên trong mùa dịch dựa trên nguyên lý thấu cảm – đồng cảm – trắc ẩn.
Cụ thể doanh nghiệp này đảm bảo sự an tâm, an toàn trong công việc của họ. Anh Vũ Anh Tú, đồng sáng lập Journey of senses cho biết, trong bối cảnh Covid, vấn đề an toàn sức khỏe được nhân viên ưu tiên hàng đầu. Do đó, doanh nghiệp thấu hiểu và cung cấp thông tin để nhân viên đưa ra lựa chọn. Công ty cũng thay đổi quy trình làm việc, nâng cao an toàn trong tiếp xúc như áp dụng mã QR, chiếu clip để mô tả món ăn cho khách lựa chọn…
Trong khi đó, hoạt động trong lĩnh vực du lịch, Công ty CP Đà Bắc CBT gặp phải rất nhiều khó khăn khi Covid-19 xảy ra. Công ty này định hướng phát triển du lịch cộng đồng, mang lại việc làm cho hơn 184 thành viên, góp phần thay đổi nhận thức và giữ gìn văn hoá dân tộc.
Chị Đinh Thị Hảo, Giám đốc Đà Bắc CBT cho biết, khó khăn bao gồm sự suy giảm lượng khách nước ngoài, sự lo ngại của đối tác kinh doanh và bà con trong chuỗi du lịch cộng đồng, những áp lực và nghi ngại của chính quyền địa phương.
Trước khó khăn đó, công ty này đã trao đổi và trấn an người dân địa phương, bà con làm du lịch; làm việc với các cấp chính quyền. Bên cạnh đó là việc xây dựng kịch bản tiếp khách. Chẳng hạn, một điểm bản chỉ có một hộ tiếp đoàn khách, áp dụng các biện pháp an toàn để chuyển các sản phẩm thức ăn, đồ lưu niệm,… đến hộ tiếp khách.
Đặc biệt, để duy trì kết nối trong quan hệ với bà con ở bản, công ty tổ chức các hoạt động giao lưu, kết nối trực tuyến; tổ chức chuỗi hoạt động nâng cao năng lực về sử dụng công nghệ thông tin cho bà con,…
Trao cơ hội học tập trong giai đoạn khó khăn cũng là cách làm của Teach for Vietnam - mô hình hoạt động dựa vào nguồn tài trợ của các tổ chức, quỹ, cá nhân và doanh nghiệp để chi trả lương cho các bạn trẻ rất có năng lực về vùng nông thôn khó khăn dạy học cho học sinh.
Đại dịch xảy ra, nguồn tài trợ của Teach for Vietnam suy giảm đồng nghĩa với lương của giáo viên cũng giảm đi. Chị Huỳnh Hạnh Phúc, nhà sáng lập doanh nghiệp này cho biết, khi không thể trả lương cao, công ty trao cho nhân sự điều kiện học tập, nâng cao tinh thần học tập, chia sẻ tầm nhìn của công ty và tổ chức các buổi chia sẻ, đi sâu vào bên trong mỗi con người để gia tăng nội lực.
Cũng lãnh đạo một doanh nghiệp xã hội, chị Hồ Thị Phương Anh đến từ Công ty Viên Minh cho biết, sự đồng cảm là yếu tố đã thôi thúc doanh nghiệp nỗ lực để vượt qua khó khăn, giúp đỡ cộng đồng thông qua hoạt động sản xuất kinh doanh.
Viên Minh là một đơn vị chuyên cung cấp sản phẩm tràm cho khách hàng, đặc biệt là mẹ và bé; cây tràm giúp bảo vệ đất, tránh xói mòn,… ; cung cấp việc làm cho các bà mẹ bỉm sữa; tăng thu nhập cho bà con nông dân ở những nơi trồng cây tràm vốn rất khô cằn.
Chị Phương Anh cho biết, các giá trị cốt lõi dẫn dắt doanh nghiệp này bao gồm: trung thực, trách nhiệm, cống hiến, đồng cảm, minh tuệ (biết đủ). Các yếu tố này kết hợp hình thành “bộ gene” Viên Minh.
“Đối với doanh nghiệp, năm nào cũng có khó khăn đặc thù, cái chính là qua mỗi khó khăn thì doanh nghiệp trưởng thành, vững vàng và chuẩn bị năng lực tốt hơn”, chị Phương Anh nói.
Trong khủng hoảng, nhiều doanh nghiệp đã nản chí và phải chật vật nhưng cũng có những doanh nghiệp qua khó khăn mà khẳng định được niềm tin, tầm nhìn, nội lực và bản lĩnh của mình. Đồng thời, Covid-19 cũng là thời điểm để các doanh nghiệp và nhà lãnh đạo nhìn nhận và điều chỉnh lại các thiếu sót của mình.
Nói về các doanh nghiệp xã hội, ông Trung nhấn mạnh giá trị nhân văn khi tạo cho người nông dân, người thiệt thòi, đồng bào, người khuyết tật công ăn việc làm và sinh kế; giáo dục khách hàng, thị trường thông qua kinh doanh, trong đó không chỉ đơn thuần bán sản phẩm và dịch vụ mà còn bán trải nghiệm, bán sự nhân văn, bác ái và lòng trắc ẩn.
Ông Trung cho rằng, bối cảnh khó khăn sẽ bộc lộ một trong ba tâm thế ở người lãnh đạo. Một là thủ thế (bị động), hai là thích ứng, ba là kiến tạo. Trong đó, để kiến tạo, người lãnh đạo phải có tư duy lãnh đạo, tư duy chiến lược, tư duy con người,…
Vị chuyên gia này khuyên rằng, làm lãnh đạo, kinh doanh hay bất cứ việc gì đều cần có lòng trắc ẩn bởi nó là giá trị cốt lõi chi phối mọi đường đi, cách thức, giá trị của doanh nghiệp và cá nhân lãnh đạo.