Đỉnh núi Ngọc Linh - Kon Tum, nơi được được xem là mái nhà thiên nhiên hùng vĩ của người Xê-đăng bản địa, nơi cất giấu trong mình biết bao câu chuyện kỳ bí, hoang dại về một vùng đất linh thiêng, huyền diệu, nơi được coi là thủ phủ của hàng trăm loại dược liệu quý hiếm. Bên cạnh “quốc bảo” sâm Ngọc Linh, nơi đây còn có vô số loại “thuốc giấu”, nhiều loại dược liệu đã được đồng bào Xê-đăng sử dụng như những bài thuốc quý dân dã từ bao đời, như đẳng sâm, nấm lim xanh, linh chi rừng, đương quy rừng… Nhờ các loài dược liệu này, bao thế hệ người Xê-đăng, lớp này nối tiếp lớp khác, con trai, con gái đã sinh ra, lớn lên như cây nứa, cây tre, trẻ con như cây măng, cây nấm, khỏe mạnh và kiên cường.
Cùng với chính sách ưu tiên nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, những năm gần đây, cuộc sống của những buôn làng người dân tộc thiểu số dưới chân núi Ngọc Linh có nhiều khởi sắc. Nhiều huyện, xã mới được thành lập, cơ sở vật chất khang trang hơn. Điện sáng, nước sạch được kéo về tận từng thôn, buôn. Những con đường bê tông chạy ngoằn nghèo kết nối, xóa bỏ khoảng cách giữa làng với làng, giữa thôn, buôn với huyện lỵ. Cùng với đó, dược liệu - thế mạnh của đại ngàn Ngọc Linh cũng nhanh chóng bắt nhịp được với nhu cầu và thị trường bên ngoài. Thế nhưng, sản phẩm dược liệu thô sau khi bà con thu hái thường chỉ được các thương lái thu mua lại với giá rẻ, sau đó mang ra khỏi địa bàn tỉnh và bán lại với mức giá trị cao hơn gấp nhiều lần. Trong suốt một thời gian dài, tỉnh Kon Tum đối mặt và gần như bất lực trước thực trạng “chảy máu” dược liệu. Nguồn dược liệu sạch và có sẵn trong thiên thiên do khai thác không có kế hoạch cũng cạn kiệt dần. Đồng bào nơi đây lẩn quẩn mãi trong cái vòng tròn nghèo đói. Ánh mắt trẻ con đồng bào vẫn lem luốc, hoang dại, thiếu thốn và ám ảnh đến nao lòng trong những chuyến chúng tôi tìm về khảo sát thực tế. Đồng bào còn quá nghèo để biết thế nào là chuỗi sản xuất, là mô hình liên kết, là thích ứng với thị trường…
Đau đáu với thực trạng đó, từ năm 2016, chúng tôi - hai con người trẻ sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Kon Tum đã bắt đầu hành trình tìm hiểu, nghiên cứu thị trường, lặn lội qua nhiều tỉnh, thành trong cả nước như Đồng Nai, Vĩnh Long, Tây Ninh, Tp HCM, Đà Lạt…để học hỏi nhiều mô hình trồng dược liệu, mong muốn mang những kỹ thuật mới ứng dụng thành công tại quê nhà. Cuối năm 2018, sau 3 năm chuẩn bị, công ty TNHH Thảo Dược Tây Nguyên được thành lập. Ý tưởng và mong muốn ban đầu chỉ giản dị dừng lại ở ước mong trở thành cầu nối giữa bà con đồng bào dân tộc thiểu số vùng Ngọc Linh với một thị trường tiêu thụ rất tiềm năng, rộng lớn ngoài kia, đồng thời duy trì và phát triển được nguồn dược liệu quý tại chỗ, tạo sinh kế lâu dài cho bà con. Hành trình của Thảo dược Tây Nguyên đã bắt đầu như thế. Khởi nguồn từ hai bàn tay trắng, chỉ có hoài bão, nỗ lực và tình yêu với mảnh đất, con người nơi đại ngàn xanh thẳm…
Ngay sau khi thành lập, Thảo dược Tây Nguyên bắt đầu triển khai mô hình liên kết với các hộ dân tại địa phương để nhân giống, trồng và tiêu thụ một số loại dược liệu, chủ lực là cây khổ qua rừng và sâm dây (đẳng sâm). Trong đó, vùng dược liệu chính được phát triển tại Văn Lem, một xã đặc biệt khó khăn thuộc huyện Đăk Tô, Kon Tum. Thế nhưng, việc vận động người dân từ bỏ tập quán canh tác lạc hậu, chuyển đổi từ các loại cây trồng thu nhập thấp như mỳ, ngô, lúa sang trồng dược liệu thực sự là hành trình không mấy dễ dàng. Vận động hơn 10 hộ gia đình thì mới có 1 hộ đồng ý ký hợp đồng trồng thử nghiệm. Hộ nào cũng nghèo, có gia đình phải chạy ăn từng bữa, trồng dược liệu đến đâu cần tiền lại nhổ bán đến đó. Do đó, để thuyết phục bà con kiên trì, đồng hành cùng Công ty cho đến ngày cây trồng đủ tuổi thu hoạch (45 ngày đối với cây khổ qua rừng và 02 năm với cây đẳng sâm) trở thành một thách thức lớn.
Để tháo gỡ vướng mắc, Thảo dược Tây Nguyên đã chọn phương án xắn tay cùng làm, cùng chia sẻ khó khăn với bà con. Từ việc mở rộng xưởng chế biến, tạo thêm nhiều việc làm có thu nhập ổn định, đến việc vận động, quyên góp tiền, quần áo cũ cho các hộ khó khăn, sách vở cho trẻ em đến trường…Những mùa vụ đầu tiên ấy không chỉ đưa tình người xích lại gần nhau, mà dần dần đã giúp bàn con nhận ra giá trị của chuỗi liên kết mà công ty đang xây dựng. Số hộ đăng ký tham gia cùng Công ty mỗi lúc một nhiều hơn. Nhờ đó, Thảo dược Tây Nguyên triển khai thành công nhiều mô hình sản xuất, mà trên hết là những mô hình phụ nữ địa phương cùng liên kết sản xuất các loại sản phẩm, nông sản sạch như nấm lim xanh, khổ qua rừng, sâm dây, nếp cái hoa vàng… Đến năm 2021, Thảo dược Tây Nguyên đã cùng với chị em phụ nữ tại thôn Đăk Xanh, Xã Văn Lem xây dựng vùng nguyên liệu đạt diện tích lớn với 05 hecta khổ qua rừng và 10 hecta sâm dây Ngọc Linh theo định hướng đạt chuẩn GACP-WHO.
Từ nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng, Thảo dược Tây Nguyên đã mạnh dạn đầu tư thêm nhà xưởng, máy móc để sản xuất ra các đặc sản của huyện Đăk Tô nói riêng và tỉnh Kon Tum nói chung như trà sâm dây DATO, trà khổ qua rừng DATO, đồng thời tự tin mở rộng các hoạt động giới thiệu, quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh. Hiện tại, Công ty đã có 05 sản phẩm đạt OCOP 3 sao của tỉnh và xây dựng thành công hệ thống phân phối tại 16 tỉnh, thành, trong đó có 4 siêu thị Co.opmart, 6 Siêu thị AEON, nhiều siêu thị mini, cửa hàng trên toàn quốc với 8 nhà phân phối… Tháng 10/2021, câu chuyện khởi nghiệp của Công ty Thảo dược Tây Nguyên đã vinh dự vượt qua 1.549 dự án, về đích chung cuộc ở vị trí số 2 - Giải Sáng tạo Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2021 do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức. Đó là những thành công bước đầu mà Thảo dược Tây Nguyên đạt được. Trên hết, đó là minh chứng cho một niềm tin bền bỉ, rằng bất cứ sự nỗ lực nào xuất phát từ sự tử tế, tận tâm và nhân văn cũng sẽ cho kết quả ngọt ngào.
Thảo dược Tây Nguyên bắt đầu chuyến hành trình của mình cũng là lúc đại dịch Covid-19 xuất hiện. Thành quả của Công ty có thời điểm gần như quay lại con số không tròn trĩnh. Hoạt động mở rộng thị trường bị đình trệ. Sản phẩm không bán được do các đợt giãn cách xã hội. Trong khi đó, các hợp đồng liên kết với dân đã thực hiện, buộc phải tiếp tục thu mua nguyên liệu cho người dân khiến tồn kho tăng cao. Chi phí sản xuất, phân phối tăng dẫn đến việc bán hàng với giá công bố bị lỗ…
Cũng như bao doanh nghiệp khác, Thảo dược Tây Nguyên đau đầu với bài toán làm thế nào để thích ứng, để tồn tại và phát triển trong đại dịch Covid 19 này. Xác định không thể dừng chân tại chỗ, bởi đằng sau doanh nghiệp lúc lày là sinh kế của hàng chục gia đình, Thảo dược Tây Nguyên đã bắt tay vào hệ thống lại chiến lược kinh doanh, tối ưu hóa chi phí nhằm duy trì sản xuất. Từ những kiến thức được trau dồi, bổ sung khi tham gia Dự án cùng CSIP, cộng với việc tìm tòi nghiên cứu, Thảo dược Tây Nguyên đã quyết định thay đổi gần như toàn bộ kế hoạch, chiến lược của mình, chuyển dịch sản phẩm sang hướng thích nghi với hoàn cảnh mới, bám sát mục tiêu phục vụ các nhu cầu phòng, chống dịch. Sau khi khảo sát, tìm được nguồn nguyên liệu ổn định, Công ty đã sản xuất thêm mặt hàng “Lá xông giải cảm” từ những loại lá, dược liệu gần gũi với mọi gia đình. Trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại nhiều tỉnh thành trong cả nước, sản phẩm lá xông của Công ty Thảo dược Tây Nguyên với ưu điểm hữu dụng, nhỏ gọn, dễ dàng vận chuyển, giá thành rẻ… đã nhanh chóng được thị trường đón nhận. Tuy nhiên, để tất cả khách hàng, trong đó có hàng ngàn bệnh nhân nghèo bị nhiễm Covid-19 có thể tiếp cận với sản phẩm, góp phần cùng cả nước phòng chống dịch, Thảo dược Tây Nguyên quyết tâm đưa ra và giữ mức giá sản phẩm vừa phải trong suốt mùa dịch, kiên quyết xử lý, lên án đối với các đại lý, nhà phân phối lợi dụng tình hình dịch bệnh để nâng giá sản phẩm nhằm trục lợi.
Căn cứ tình hình thực tế, Công ty cũng chuyển hết các hoạt động Marketing sang phương thức quảng bá online và nhận được hiệu quả rất tích cực. Nhờ đó, dù hầu hết các kênh bán hàng truyền thống bị ảnh hưởng nặng của dịch nhưng doanh số của Công ty trong thời điểm dịch vẫn tăng. Có thời điểm đạt gần 1 tỷ/tháng. Trong khi nhiều doanh nghiệp phải sa thải nhân công để đảm bảo tồn tại thì Thảo dược Tây Nguyên lại phải tuyển thêm lao động. Giai đoạn cao điểm, hơn 20 lao động nữ làm việc tại Xưởng chế biến và bảo quản dược liệu của Công ty Thảo dược Tây Nguyên phải tăng ca liên tục.
Niềm vui lớn nhất của Thảo dược Tây Nguyên không chỉ dừng lại ở những con số. Nhờ duy trì được sản xuất và có doanh thu ổn định, tháng 9/2021, nhân viên và người lao động của Công ty đã cùng nhau đón một mùa Trung thu sung túc, đủ đầy. Bữa cơm trưa của công nhân tại Xưởng chế biến và bảo quản dược liệu cũng có thêm được nhiều món tươi hơn, ngon hơn. Con em các công nhân nữ cũng đón một mùa tựu trường đầy đủ, trọn vẹn hơn. Ấm áp hơn cả là việc sản phẩm “Lá xông giải cảm” đã nhận được nhiều phản hồi rất tích cực từ khách hàng, phát huy tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh nhân có triệu chứng nhẹ, bệnh nhân điều trị tại nhà vô cùng hiệu quả. Đó là những hạnh phúc thầm lặng nhưng hiện hữu, nhỏ bé nhưng là động lực to lớn vô cùng. Nhân rộng niềm vui, chung tay với đồng bào cả nước chống dịch, tháng 10/2021, Công ty Thảo dược Tây Nguyên đã tiếp tục trích kinh phí mua 2 tấn gạo và ủng hộ hàng nghìn gói lá xông cho đồng bào các tỉnh phía Nam và cán bộ, chiến sĩ nơi tuyến đầu chống dịch. Đó là cách mà Thảo dược Tây Nguyên lan tỏa hơi ấm của tình yêu thương, nhân rộng những giá trị nhân văn, tích cực và san sẻ trách nhiệm với cộng đồng.
Đến với Én Xanh năm 2021, doanh nghiệp mong muốn được lắng nghe câu chuyện của các thành viên trong gia đình Én, những câu chuyện kinh doanh giàu tính nhân văn và nghi lực vượt qua khó khăn đại dịch, những câu chuyện có tính lan tỏa và truyền cảm hứng, những mô hình hay, những kinh nghiệm quý báu, nhất là trong lĩnh vực xuất khẩu. Xin góp cùng Én xanh 2021 câu chuyện khởi nghiệp của Thảo dược Tây Nguyên. Hy vọng câu chuyện chúng tôi chia sẻ sẽ góp phần truyền thêm động lực, niềm tin cho các Én cùng vượt qua giông bão.
Các Én Xanh hãy cùng nhau chung tay xây dựng một cộng đồng Én Xanh luôn hướng những giá trị tích cực, bền vững cho cộng đồng, xã hội./.