“Khi con được chẩn đoán tự kỷ, tôi và gia đình lo lắng, chán chường và rất bi quan. Sau khi gắng gượng trở lại, tôi và gia đình bàn bạc với nhau phải đưa con đi can thiệp, chỉ có cách đó mới giúp con được. Hai năm trời, tôi phải bỏ việc, thuê nhà lên Sài Gòn và cứ sáng đưa chiều đón con đi can thiệp ở trung tâm chuyên biệt. Mức phí can thiệp đã là 5,5 triệu một tháng, cùng các khoản khác, tiết kiệm lắm một tháng cũng phải xài hết hơn 10 triệu đồng. Gánh nặng kinh tế đè nặng lên vai chồng và lâu lâu có sự trợ giúp của gia đình hai bên” (Trích thư của mẹ Ủn). “Mấy năm trời, cứ 1 tuần 3 buổi chở con lên Bệnh viện nhi đồng ở Sài Gòn can thiệp, mỗi lần như vậy chỉ có một giờ nên chẳng hiệu quả gì cả. Hơn thế, con về lại mệt, ốm đủ thứ bệnh, mẹ thì phải bỏ làm. Cả gia đình tôi hai năm trời vừa rồi cứ loạn cả lên mà con chẳng tiến triển tích cực là mấy” (Câu chuyện của mẹ Bin).

Hoàng Đức và trăn trở giải quyết bài toán tiếp cận dịch vụ can thiệp 

Tại Đồng Nai nói riêng và nhiều tỉnh thành nói chung (ngoài Hà Nội, TPHCM), có hàng ngàn trẻ em rối loạn phát triển thần kinh/ khuyết tật phát triển - trí tuệ không được cha mẹ, giáo viên và bác sĩ nhi khoa phát hiện sớm để được can thiệp kịp thời. Điều này là do không có hệ thống chăm sóc sức khoẻ tâm thần, giáo dục đặc biệt chuyên nghiệp tại các địa phương, đồng thời do trình độ nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế. Việc không được can thiệp sớm dẫn tới sự cản trở phát triển tích cực của các trẻ, nhiều trẻ không thể có cuộc sống độc lập hoặc phát triển các chức năng tâm lý thông thường, là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Điều này không chỉ với trẻ em mà nhiều người trưởng thành không được hỗ trợ tích cực về sức khoẻ tâm thần cũng dẫn tới nhiều hệ luỵ/ rào cản và là gánh nặng cho gia đình, xã hội.

Có thể là hình ảnh về trẻ em

Hàng chục năm làm việc trong lĩnh vực sức khoẻ tâm thần luôn đặt cho chúng tôi câu hỏi: Làm sao để trẻ em rối loạn phát triển nói riêng và những cá nhân có rối loạn tâm thần nói chung ở xa Thành phố Hồ Chí Minh có thể được tiếp cận các dịch vụ can thiệp tâm lý và giáo dục chuyên biệt chuyên nghiệp, phòng ngừa những hậu quả lâu dài? Làm sao để tất cả các trẻ rối loạn phát triển và người có khó khăn về sức khoẻ tâm thần đều được hỗ trợ, can thiệp công bằng như nhau? Tất cả các câu hỏi ấy, tất cả những cảm xúc ấy cứ ám ảnh chúng tôi nhiều năm trời. Chính vì thế, sau nhiều năm thử nghiệm mô hình với một tổ chức tương tự  không thành công và hành trang 15 năm làm việc trong lĩnh vực sức khoẻ tâm thần, Năm 2015, chúng tôi gồm những nhà chuyên môn trong nhóm đa ngành thành lập Công ty TNHH MTV Tư vấn và Giáo dục Hoàng Đức với hai tổ chức trực thuộc là Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập trẻ tự kỷ Hoàng Đức (Trung tâm tự kỷ Hoàng Đức) được thành lập năm 2016 và Trung tâm Tâm lý học ứng dụng Hoàng Đức được thành lập năm 2019.

Có thể là hình ảnh về một hoặc nhiều người

Trong đó, Trung tâm tự kỷ Hoàng Đức là một tổ chức được thành  lập với sự cho phép của UBND tỉnh Đồng Nai, hướng đến việc tiếp cận các mô hình, chương trình tiên tiến trên thế giới, cập nhật phù hợp với bối cảnh Việt Nam để trở thành đơn vị đóng vai trò nòng cốt trong hệ thống các trung tâm giáo dục hoà nhập trẻ tự kỷ tại Việt Nam, thực thi sứ mệnh mang đến cho cộng đồng các chương trình giáo dục hoà nhập trẻ rối loạn phát triển có chất lượng cao, bình đẳng cho tất cả các nhóm đối tượng. Còn Trung tâm Tâm lý học ứng dụng Hoàng Đức được hoạt động với sứ mệnh góp phần phát triển khoa học tâm lý học tại Việt Nam; với tầm nhìn của trung tâm hướng đến một tổ chức hàng đầu tại Việt Nam trong  nghiên cứu, đào tạo và ứng dụng tâm lý học vào cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tâm thần cho cá nhân, gia đình và tổ chức.

Cam kết với sứ mệnh của mình, các đơn vị thuộc Công ty Hoàng Đức luôn nỗ lực nâng cao trình độ, chất lượng các dịch vụ, trở thành Trung tâm hàng đầu trong ngành để nhiều người được tiếp cận, hưởng lợi nhất có thể. Từ năm 2015 đến nay, với hơn 60 nhân sự thuộc nhóm đa ngành (Tâm lý học lâm sàng, Giáo dục đặc biệt, Âm ngữ trị liệu,…) và 3 cơ sở tại Tp Biên Hoà, Trung tâm tự kỷ Hoàng Đức đã cung cấp các dịch vụ đánh giá và can thiệp sớm thường xuyên cho khoảng 300 - 350 trẻ (tích luỹ trong 5 năm khoảng 1200 trẻ), hàng quý chuyển tiếp cho khoảng 20 trẻ ra học hoà nhập tại các trường mầm non, tiểu học. Hiện Trung tâm tự kỷ Hoàng Đức là một thương hiệu uy tín trong lĩnh vực đánh giá và can thiệp sớm trẻ rối loạn phát triển/ khuyết tật nhận thức - trí tuệ tại Việt Nam. 

Trong khi đó, Trung tâm Tâm lý học ứng dụng Hoàng Đức là cung cấp dịch vụ đánh giá và tham vấn, trị liệu tâm lý cho nhiều đối tượng khách hàng, cũng như triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ, can thiệp cho người khuyết tật tại cộng đồng. Các Dự án uy tín mà Trung tâm tham gia gồm “Tăng cường Năng lực Mạng lưới dịch vụ và trị liệu cho trẻ em Khuyết tật, giai đoạn 2015 - 2022” (hợp tác cùng VietHealth), và “Hỗ trợ Thực thi Điều phối Chính sách và Quyền của Người khuyết tật, giai đoạn 2015 - 2023” (hợp tác cùng Tổ chức VNAH). Trung tâm cũng đã triển khai nhiều nghiên cứu/ dự án cộng đồng như: xây dựng mô hình can thiệp sớm trẻ rối loạn phổ tự kỷ, mô hình hỗ trợ thanh thiếu niên nghiện internet - game online, mô hình tâm lý trường học, phòng chống xâm hại tình dục trẻ em, dự án phi lợi nhuận “Chăm sóc sức khoẻ tâm thần trong đại dịch COVID -19”… Hơn thế, trung tâm cũng là đối tác đào  tạo và nghiên cứu của các trường đại học lớn và Viện Nghiên cứu có danh tiếng ở Việt Nam.

Đại dịch COVID - 19 - thách thức khôn kể đối với lĩnh vực mà Hoàng Đức theo đuổi

Là một tổ chức giáo dục chuyên biệt, lại hoạt động ở Đồng Nai- một trong 3 tỉnh thành có đông người nhiễm Covid nhất trong đợi dịch thứ 4, các đơn vị Hoàng Đức đã phải đóng cửa tổng cộng 10 tháng trong thời gian giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 của Chính phủ. Đóng cửa hệ thống trung tâm dẫn tới rất nhiều khó khăn với chúng tôi: (i) ảnh hưởng trầm trọng đến cân đối dòng tiền, ngân sách của công ty khi không còn nguồn thu từ dịch vụ ; (ii) tác động đến tâm lý và động lực nghề nghiệp của Đội ngũ cán bộ nhân viên; (iii) Xuống cấp về cơ sở vật chất do không làm việc, duy trì dài ngày; và (iv) điều mà chúng tôi quan ngại nhất là các nhóm người khuyết tật/ trẻ em khuyết tật hoặc người có vấn đề sức khoẻ tâm thần không thể tiếp cận với dịch vụ của Hoàng Đức, trong khi đây là điều rất quan trọng, ảnh hưởng đến sự cải thiện, tiến bộ tình trạng của các em, các bạn.

Tuy hoàn cảnh khó khăn là vậy, song Hoàng Đức không hoàn toàn thấy bức tranh hiện thực chỉ có một màu tối. Bối cảnh Covid-19 tạo động lực cho Hoàng Đức đẩy nhanh chuyển đổi số trong phát triển dịch vụ (telepsychology) - điều chúng tôi trước đó nghi ngại do đặc thù ngành; cũng là điều kiện tuyệt vời để Hoàng Đức tái cấu trúc tổ chức và nguồn nhân lực của mình và xác định lòng trung thành của đội ngũ; đẩy mạnh truyền thông, nâng cao hình ảnh của tổ chức đến cộng đồng thông qua các nguồn lực miễn phí. Đặc biệt hơn cả, vấn đề sức khỏe tinh thần - mà Hoàng Đức có thể mạnh can thiệp - trở thành một chủ đề quan tâm bởi Xã hội trong mùa dịch, điều này mở ra một thị trường dồi dào với nhiều dư địa hơn cho Hoàng Đức để mang sản phẩm, dịch vụ của mình tham gia vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Nếu nắm bắt tốt cơ hội thì Hoàng Đức có thể đột phá phát triển trong tương lai khi đại dịch đi qua.

Không bỏ cuộc mà còn mạnh mẽ hơn trước – Hoàng Đức đã lội ngược cơn bão

Xác định được tâm thế đó, Hoàng Đức đã bắt tay vào hành động ngay để chạy đua với thời cơ chuyển đổi mình trong thời kỳ dịch bệnh này,

Thứ nhất, tiến hành hoàn thiện bộ nhận diện thuơng hiệu, quy trình tổ chức hoạt động, mô hình chuyên môn của Trung tâm tự kỷ Hoàng Đức. Trong đó bộ nhận diện thương hiệu và mô hình đánh giá và can thiệp sớm trẻ tự kỷ đã được đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ và thương mại, với mục đích a) Củng cố một cách chuyên nghiệp lại mô hình tổ chức của chính Trung tâm tự kỷ Hoàng Đức mà dường như tại Việt Nam chưa có tổ chức nào trong cùng ngành làm được; b) Xây dựng một hệ thống nhượng quyền (cả thương hiệu và mô hình kỹ thuật) để tìm kiếm đối tác phát triển thị trường. Hiện chúng tôi đã ký được một hợp đồng với một đối tác từ Tây Ninh và đang thảo luận với một đối tác từ Bà Rịa - Vủng Tàu. Hoàng Đức không ngại ngần chia sẻ chuyên môn về vấn đề này, khi đã tổ chức hội thảo trực tuyến “Tái cấu trúc tổ chức - khởi động hoạt động giáo dục hậu COVID – 19” để cùng thảo luận với 50 nhà lãnh đạo của các trung tâm giáo dục chuyên biệt, các trường mầm non trên cả nước. 

Thứ hai, bên cạnh việc đa dạng hoá các dịch vụ cung cấp tại chỗ, Trung tâm tự kỷ Hoàng Đức mở rộng các dịch vụ phi lợi nhuận cho khách hàng/ trẻ và gia đình theo hình thức từ xa để không chỉ hỗ trợ khách hàng cũ (phụ huynh cũ) mà còn mở rộng khách hàng tiềm năng trên khắp tỉnh thành. Có thể kể đến các hội thảo, chương trình tập huấn phụ huynh trực tuyến được tổ chức định kỳ. Hoàng Đức còn triển khai dự án đồng hành với phụ huynh có con rối loạn phát triển trên cả nước với 300 phụ huynh được hỗ trợ, đồng hành; tiên phong xây dựng quỹ “Đánh thức ước mơ”, nhằm bán các sản phẩm của trẻ tự kỷ làm để lấy tiền hỗ trợ cho các gia đình nghèo có trẻ khuyết tật.

Thứ ba, phía Trung tâm Tâm lý học ứng dụng Hoàng Đức đã tích cực triển khai  triển khai 2 dự án phi lợi nhuận với chuỗi hoạt động năng nổ để tham gia chăm sóc, nâng cao sức khoẻ tâm thần trong đại dịch tại địa phương. Dự án thứ nhất “Chăm sóc sức khoẻ tâm thần trong đại dịch”, có quy mô và gây tiếng vang lớn trong ngành và cộng đồng từ tháng 7 đến tháng 12 năm 2021. Dự án đã Cung cấp các dịch vụ sức khoẻ tâm thần từ xa như khám và điều trị bởi bác sĩ tâm thần, tham vấn và trị liệu tâm lý, với sự đồng hành của 7 bác sĩ chuyên khoa tâm thần và 21 chuyên viên tâm lý có trình độ thạc sĩ. Tính đến hết tháng 10 năm nay, dự án tiếp nhận, khám, đánh giá và can thiệp cho 907 bệnh nhân/ thân chủ, trong đó mỗi người được can thiệp từ 3 - 12 buổi. Dự án còn tổ chức một chuỗi dày đặc với tổng cộng trên 50 buổi hội thảo trực tuyến, chương trình đào tạo/ workshop nâng cao kỹ năng, năng lực ứng phó với khủng hoảng tâm lý; chuỗi hội thảo trực tuyến cho học sinh và người lao động ở các trường học, doanh nghiệp và nhà máy. Mỗi sự kiện buổi thu hút 100 - 200 người  tham dự trực tiếp. Trong khuôn khổ Dự án, Hoàng Đức còn phối hợp với Đài Phát thanh truyền hình Đồng Nai tổ chức chuyên mục “Chăm sóc sức khoẻ tâm thần trong đại dịch” theo hình thức phát thanh trực tiếp vào tối chủ nhật hàng tuần. Đã có gần 50 bài báo, tin, phóng sự truyền hình, phát thanh viết hoặc phỏng vấn về dự án. Đây có lẻ là một trong các dự án nổi bật trong làn sóng thứ 4 của đại dịch COVID - 19 vừa qua.

Dự án thứ 2 “Well - being: Chăm sóc sức khoẻ tâm thần cho người lao động trong và sau đại dịch COVID – 19”, Hoàng Đức hợp tác cùng Viện Socail Life nhằm triển khai các hoạt động Tư vấn khủng hoảng ban đầu cho người lao động thông qua số hotline của dự án; hợp tác với tỉnh Đoàn Đồng Nai triển khai đường dây Bác sĩ nhân ái… Với số lượng tình nguyện viên hơn 30 người là các nhà tâm lý có trình độ cử nhân, đến ngày 30.10.2021 dự án đã tiếp nhận tư vấn cho  hàng ngàn người lao động, đặc biệt là người lao động di cư. Đồng thời, Hoàng Đức triển khai nghiên cứu/ khảo sát về sức khoẻ tâm thần của người lao động trong bối cảnh của đại dịch.

Với nền tảng của các dự án này, việc thiết kế các dịch vụ sức khoẻ tâm thần từ xa là điều Hoàng Đức đang hướng đến. Đây có lẽ là dịch vụ trong tương lai thích ứng với bối cảnh mới.

Thứ tư, Hoàng Đức tích cực tìm kiếm, vận động Tài trợ nghiên cứu và đấu thầu cho các Dự án Phát triển, xúc tiến quan hệ đối tác với các Tổ chức trong nước và quốc tế. Đơn cử, Hoàng Đức tích cực đấu thầu cho các dự án do USAID tài trợ cho lĩnh vực can thiệp tâm lý, còn trước đó, Trung tâm Tâm lý học ứng dụng Hoàng Đức đã thành công trong việc tìm kiếm 02 tài trợ nghiên cứu của vòng 2 năm (2021 - 2022). Điều này mở ra cơ hội mới trong lĩnh vực mà Hoàng Đức có thể mạnh nhưng chưa được khai thác triệt để trong nhiều năm vừa qua..

Chiêm nghiệm trong khoảng lặng sau màn giông

Hoàng Đức ngày hôm nay được hợp thành không chỉ bởi trăn trở và tâm huyết của những người sáng lập và cộng sự, mà còn từ những kinh nghiệm, bài học từ mô hình, thử nghiệm trước đó cùng những nỗ lực ứng phó, chuyển mình để tạo tác động trên diện rộng hơn nữa trong bối cảnh khủng hoảng, thách thức. Chúng tôi nhận ra một số bài học, kinh nghiệm cho tổ chức từ Đại dịch Covid-19 vừa qua

Thứ nhất, đó là cần sự bình tâm và đoàn kết của đội ngũ lãnh đạo công ty, nhất là bình tâm để vượt qua và bình tâm để bước tiếp.

Thứ hai, cần suy nghĩ tích cực và luôn tìm kiếm các cơ hội dù trong khủng hoảng.

Thứ ba, cần kết nối và huy động nguồn lực mới có thể phát triển nhanh và bền vững.

Có thể là hình ảnh về một hoặc nhiều người, mọi người đang đứng và trong nhà

Với Hoàng Đức, tham gia Én Xanh là một cơ hội tuyệt vời sau những gì chúng tôi đã và đang phải trải qua. Vì thế, chúng tôi kỳ vọng Được thấu hiểu, yêu thương và tham gia vào một cộng đồng đồng giá trị; được học được nhiều kỹ năng để có thể mạnh mẽ vượt qua các trở ngại, điều hành doanh nghiệp của mình tốt hơn; được sẻ chia câu chuyện mà chúng tôi đang làm, nhiều giá trị đến với nhiều người hơn, từ đó kết nối và tìm kiếm sự hỗ trợ cho chúng tôi, cho khách hàng của chúng tôi. Dù khó khăn còn chưa hết, nhưng Hoàng Đức sẽ nỗ lực trở thành cánh Én Vượt bão, với đôi cánh được nâng lên bởi sự luồng gió trợ lực mà hàng tram cánh Én cùng vỗ cánh đồng nhịp để tạo thành./.

Chia sẻ ngay:

Bình chọn ngay

Công ty Hoàng Đức - Én xanh là một cơ hội tuyệt vời sau những gì chúng tôi đã và đang trải qua

Forest link - rừng kết nối lắng yên tái tạo vững chãi trong bão giông

VINASAMEX - Những điều Én chưa kể

Nông nghiệp

Ngỗng – An Biên Food và Hệ sinh thái nông nghiệp bền vững

Én Xanh 2021: Kết nối, lan toả và truyền cảm hứng cho các sáng kiến kinh doanh ứng phó đại dịch Covid-19

Trang chủ

Giới thiệu Én Xanh

Én xanh kể chuyện

Vaccine Én xanh

Tọa đàm

Đào tạo

Hackathon

Tin tức - Sự kiện

Liên hệ

Địa chỉ: Phòng 2302, Tòa nhà 101 Láng Hạ,
Đống Đa, Hà Nội

Điện thoại: +84 24 3537 8746

Email: enxanh2019@gmail.com

Social Media

Bản quyền chương trình Én Xanh thuộc về CSIP